Năm 2023, Hợp tác xã trồng cây nông sản do phụ nữ làm chủ xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa được thành lập với 20 thành viên. Hợp tác xã đã được Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh hỗ trợ lạc giống, phân bón và chuyển giao quy trình kỹ thuật để trồng 5 ha lạc vụ xuân hè. Trong đó, có 2 ha là quỹ đất chung thầu của xã và 3 ha là của các hộ thành viên góp.
Sau 4 tháng trồng, diện tích lạc đã cho thu hoạch, năng suất đạt khoảng 60 tạ củ tươi/1 ha, cao hơn 10 tạ 1 ha so với sản xuất đại trà. Ngoài trồng lạc, trong năm, hợp tác xã sẽ trồng các cây màu khác theo mùa vụ như ngô, đậu tương. Nhờ sản xuất hàng hóa nên tiêu thụ khá thuận lợi, các loại vật tư nông nghiệp đầu vào khi mua với số lượng lớn theo hợp tác xã cũng giảm chi phí hơn.
Chị Nguyễn Thị Hằng, Thành viên hợp tác xã trồng cây nông sản xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Được phụ nữ cấp trên quan tâm hỗ trợ cung ứng giống, phân bón, xã thì hỗ trợ tạo điều kiện về đất đai. Chị em mỗi người đều có kỹ thuật, làm tập trung nên hiệu quả hơn”.
Chị Nguyễn Thị Lan, Giám đốc hợp tác xã trồng cây nông sản Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết thêm: “Nhà thương lái người ta mua thì thu mua tập trung có nhiều thuận lợi hơn. Mình không phải lo về tiêu thụ, làm càng nhiều càng tốt”.
Xác định phát triển kinh tế tập thể là một trong những điều kiện giúp hội viên, phụ nữ nông thôn có việc làm, nâng cao thu nhập, hàng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp Hội rà soát, lựa chọn đăng ký thành lập Hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết, để xây dựng kế hoạch triển khai và thực hiện.
Hội cũng giao chỉ tiêu đăng ký, phấn đấu mỗi huyện thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả ít nhất 1 Hợp tác xã hoặc 5 Tổ hợp tác, Tổ liên kết; tổ chức khảo sát các gia đình hội viên, phụ nữ kinh doanh cá thể tại địa phương; phối hợp với sở, ban, ngành liên quan hướng dẫn quy trình thành Hợp tác xã. Đồng thời, chú trọng phát hiện những nơi đang có điều kiện để phát triển kinh tế tập thể như: Tổ hợp tác, tổ liên kết đang hoạt động hiệu quả, những địa phương có làng nghề truyền thống, có điều kiện phát triển chăn nuôi, trồng trọt và đang có chủ trương thành lập hợp tác xã để phối hợp với chính quyền địa phương tranh thủ các nguồn vốn kích cầu, hỗ trợ cây, con giống, chuyển giao kỹ thuật… thành lập hợp tác xã.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa cũng đã xây dựng và triển khai Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ giai đoạn 2022 – 2030”, giúp các Hợp tác xã nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Bà Phạm Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: “Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã lựa chọn các mô hình phù hợp, phát huy vai trò hợp tác xã, thông quan tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng nhu cầu. Từ đó nâng cao năng lực, để hợp tác xã phát triển một cách bền vững nhất “.
Theo thống kê của Hội Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa, đến nay, toàn tỉnh có 361 mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ, gồm: Hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết. Tạo việc làm thường xuyên cho trên 4000 hội viên, phụ nữ và nhiều lao động thời vụ. Nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết đã phát triển được sản phẩm OCOP. Kinh tế tập thể đã giúp phụ nữ trong tỉnh phát huy tốt tiềm năng, lợi thế về nguồn lao động, phát huy vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương.
Nguồn: Bản tin Thời sự tối ngày 02/6/2024