Di tích Phủ Cẩm nằm tại thôn Cẩm Trướng 2, xã Định Công (Yên Định). Phủ lưng tựa vào quần thể núi Voi, mặt hướng ra sông Cầu Chày, cách ngã ba Bông khoảng 1km. Đến nơi đây, du khách không chỉ tìm thấy sự tĩnh tâm, mà còn được thả hồn vào cảnh đẹp bình yên, ngắm nhìn dòng sông Cầu Chày chảy hiền hòa vào mùa nước cạn, mãnh liệt khi mùa nước lũ và nghe các cụ cao niên trong làng kể về di tích Phủ Cẩm.
Di tích Phủ Cẩm được tôn tạo khang trang.
Tương truyền, dưới thời vua Trần Thánh Tông (1258 – 1278), tại làng Cẩm Trướng 2, xã Định Công xảy ra thiên tai, dịch bệnh khiến đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Trong làng có vợ chồng ông Hoàng Trung và bà Nguyễn Thị Phương điều kiện kinh tế khá giả, thường xuyên giúp đỡ các gia đình trong xã gặp nhiều khó khăn, hoạn nạn. Cưới nhau đã lâu nhưng vợ chồng vẫn không có con. Ông Trung bàn bạc với vợ lập đàn để cầu khấn trời đất thương tình cho một đứa con. Sau khi lập đàn xong ông bà mua lễ vật để cúng trời đất. Đến đêm thứ ba sau ngày lập đàn, bà Phương nằm mơ thấy rồng vàng to lớn hóa thành chim trĩ bay vào nhà, lướt qua giường bà nằm. Khi tỉnh dậy bà thấy trong người chuyển động khác lạ và từ đó bà mang thai, sinh được một bé gái môi đỏ như son, da trắng như tuyết, mắt sáng long lanh, đặt tên là Bạch Hoa. Khi lớn lên cô gái xinh đẹp lạ thường, thông minh, hiền thục, chuyên giúp đỡ những người nghèo khó trong làng. Từ khi Bạch Hoa ra đời, thiên tai không xảy ra, mùa màng luôn bội thu, đời sống Nhân dân nơi đây ấm no, hạnh phúc. Năm 21 tuổi, Bạch Hoa lên thuyền ra sông ngắm cảnh, bỗng mưa to, gió lớn nhấn chìm chiếc thuyền, cuốn theo cả nàng Bạch Hoa. Vài ngày sau thi thể nàng trôi dạt vào bờ sông, người dân vớt lên làm lễ an táng và lập miếu thờ nàng ở ven sông Cầu Chày thuộc làng Cẩm Trướng 2 (sau này miếu thờ nàng Bạch Hoa gọi là Phủ Cẩm).
Khi giặc Nguyên – Mông xâm lược nước ta, nhà vua trực tiếp cầm quân, di chuyển bằng đường thủy để đánh giặc. Khi đến Phủ Cẩm, nơi thờ nàng Bạch Hoa bỗng nhiên giông tố nổi lên khiến thuyền của nhà vua không di chuyển được, thấy vậy, nhà vua vào đền thờ thắp hương. Sau khi thắp hương đất trời trở nên bình yên, sông lặng, đoàn thuyền của nhà vua căng buồm tiến về phía quân giặc. Trận chiến này nhà vua đã giành thắng lợi lớn, trên đường trở về kinh đô nhà vua đã vào Phủ Cẩm dâng lễ, thắp hương, cho Nhân dân tiền để tu sửa lại Phủ Cẩm và ban sắc phong thần.
Năm 1935, di tích Phủ Cẩm được Nhân dân trong làng góp công, góp của trùng tu, tôn tạo khang trang. Di tích Phủ Cẩm được xây theo lối kiến trúc ba cung, một tiền sảnh, hai nhà ngang, nằm bên cạnh là hai cung đệ nhị, phía trước cung đệ nhị có cảnh non nước trời mây, chim thú, hoa lá. Di tích này được đánh giá là nơi có phong cảnh đẹp nhất khu vực ngã ba Bông lúc bấy giờ.
Ông Nguyễn Văn Nhân, người dân thôn Cẩm Trướng 2 có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy giá trị di tích Phủ Cẩm, cho biết: Những năm 60 của thế kỷ XX, Phủ Cẩm bị hư hỏng, người dân trong thôn không còn chỗ sinh hoạt tâm linh. Khi ấy nhìn thấy di tích Phủ Cẩm trở thành phế tích, bà con trong xã ai cũng xót xa, nuối tiếc.
Năm 2015, được sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, bà con Nhân dân, con em làm ăn xa quê, di tích Phủ Cẩm được tu bổ, tôn tạo trên nền móng cũ với diện tích 7.000m2, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Hiện nay khuôn viên di tích Phủ Cẩm rộng rãi, cảnh quan thiên nhiên thoáng đáng, khu vực nhà khách, bãi xe được đầu tư đồng bộ rất thuận tiện cho người dân đến tham quan, vãn cảnh. Hằng năm vào mùng 10 tháng Giêng (ngày sinh nàng Bạch Hoa) và ngày 13/6 âm lịch (ngày mất nàng Bạch Hoa), đều tổ chức dâng hương tại di tích Phủ Cẩm để tưởng nhớ công lao của nàng. Năm 2019, di tích Phủ Cẩm được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Định Công Nguyễn Thế Hùng, cho biết: Di tích Phủ Cẩm là nơi sinh hoạt tâm linh của đông đảo bà con trong và ngoài huyện Yên Định. Để gìn giữ, phát huy giá trị của di tích, xã Định Công đã tăng cường công tác quản lý, chống xâm hại di tích; đảm bảo an ninh – trật tự, an toàn cho du khách; chỉnh trang, tôn tạo lại cảnh quan, khuôn viên xanh, sạch, đẹp…
Thời gian tới, xã tiếp tục quan tâm tới việc giới thiệu, quảng bá giá trị của di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng; kết nối di tích với các điểm du lịch trong và ngoài huyện; huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng… Qua đó, góp phần xây dựng di tích Phủ Cẩm trở thành địa chỉ du lịch tâm linh.
Bài và ảnh: Xuân Cường