Thực hiện Luật Lâm nghiệp năm 2017 và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, trong những năm qua, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) luôn nhận được sự quan tâm, đồng thuận cao từ cơ quan Trung ương, các cấp, ngành và chính quyền địa phương, đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của UBND tỉnh Thanh Hoá nhằm đảm bảo công bằng, khách quan và nghiêm minh trong công tác thu uỷ thác chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Nhà máy thuỷ điện Trung Xuân – Công ty TNHH Thanh Bình, một trong những đối tượng sử dụng DVMTR có số lượng tiền chi trả DVMTR lớn nhất hiện nay.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa xác định rõ tầm quan trọng trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Hằng năm, Ban quản lý Quỹ thực hiện nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng cấp tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Số tiền thu từ bên sử dụng DVMTR tại tỉnh Thanh Hóa chủ yếu từ các nhà máy thủy điện, cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch, cơ sở sản xuất công nghiệp.
Trên cơ sở tham mưu của Ban quản lý Quỹ, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Tài chính và các ngành, địa phương rà soát, bổ sung đưa vào quản lý thu các đối tượng phải nộp tiền dịch vụ môi trường rừng.
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chính sách, Ban quản lý Quỹ đã ký kết hợp đồng uỷ thác chi trả DVMTR với 41 đơn vị, cụ thể: Cơ sở sản xuất thuỷ điện 3 hợp đồng; cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch 24 hợp đồng; cơ sở kinh doanh du lịch 1 hợp đồng và cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước 13 hợp đồng.
Riêng trong năm 2023, Ban quản lý Quỹ đã ký kết được 14 hợp đồng mới, bao gồm 11 cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch và 3 cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước; dự kiến thu tiền DVMTR từ các đơn vị trong lưu vực nội tỉnh số tiền khoảng 5 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu từ các cơ sở sản xuất thuỷ điện và một số cơ sở kinh doanh nước sạch.
Việc chấp hành quy định của pháp luật về chính sách chi trả DVMTR của các đơn vị nhìn chung được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Tuy nhiên một số đối tượng sử dụng dịch vụ môi trường rừng còn tình trạng né tránh, trì hoãn thời gian ký kết hợp đồng. Nguyên nhân chủ yếu từ việc thay đổi chủ sở hữu các doanh nghiệp, đơn giá nước thô chưa được cơ cấu tiền DVMTR, một số doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng, hoạt động không hiệu quả đang chuyển dần hình thức kinh doanh nên khó khăn trong đàm phán ký kết hợp đồng.
Ban quản lý Quỹ luôn tích cực phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền triển khai chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn toàn tỉnh, đồng thời tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, đơn vị đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình đàm phán, ký kết hợp đồng uỷ thác chi trả DVMTR. Trường hợp các đơn vị sử dụng DVMTR không tuân thủ quy định của pháp luật về chính sách chi trả DVMTR, Ban quản lý Quỹ kịp thời tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện trình tự xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp theo quy định Nghị định số 35/2020/NĐ-CP ngày 25/4/2019 và Nghị định số 07/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ.
Công ty Cổ phần cấp nước Thanh Hóa – Đơn vị đóng góp chi trả DVMTR ổn định hàng năm.
Trong thời gian tới, Ban quản lý Quỹ Bảo vệ, phát triển rừng và Phòng, chống thiên tai tỉnh tăng cường phối hợp cùng Chi cục Kiểm lâm và các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị không ký hợp đồng, không kê khai, kê khai không đúng hoặc chậm kê khai tiền chi trả DVMTR thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ theo quy định tại Nghị định số 156/2019/NĐ-CP ngày 16/11/2018.
Việc tổ chức thực hiện tốt chính sách chi trả DVMTR nói chung và ký hợp đồng ủy thác nói riêng nhằm đảm bảo tính công bằng của chính sách, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tăng nguồn thu tiền DVMTR để hỗ trợ lại cho các chủ rừng. Đồng thời, tạo sinh kế, giúp người dân có thêm thu nhập, tăng cao trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác lâm nghiệp.
PV