Chiều 27/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đã chủ trì hội nghị nghe báo cáo một số nội dung về lĩnh vực nông nghiệp: Đề án “Sưu tầm, bảo tồn và phát triển nguồn gen một số cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2023”; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ trong nông nghiệp cho Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Lãnh đạo Viện Nông nghiệp Thanh Hóa báo cáo tóm tắt đề án.
Tại hội nghị, lãnh đạo Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã báo cáo tóm tắt Đề án “Sưu tầm, bảo tồn và phát triển nguồn gen một số cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2023”.
Theo đánh giá của đề án, tỉnh Thanh Hóa đã ghi nhận 756 nguồn gen cây trồng, vật nuôi và thủy sản có giá trị. Trong đó, 390 nguồn gen bản địa và 366 giống du nhập và giống lai. Đây là cơ sở để tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm phục vụ lai tạo, chọn giống phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững.
Tại các cơ sở bảo tồn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện bảo tồn 119 đối tượng nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật và nấm tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo. Ngoài ra các nguồn gen đang phục vụ sản xuất chủ yếu được lưu giữ trong các trang trại, trên đồng ruộng, vườn hộ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật và nấm trên địa bàn tỉnh được khai thác, sử dụng tập trung và ở các hình thức chủ yếu như: Xây dựng mô hình nuôi trồng thử nghiệm, sản xuất thử nghiệm; xây dựng mô hình chuyên canh; mô hình canh tác nông hộ, chăn nuôi nông hộ.
Trong các sản phẩm được tạo ra từ nguồn gen có 231 sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3-4 sao; trong đó: 78 sản phẩm trực tiếp từ nguồn gen; 153 sản phẩm chế biến từ nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật, nấm.
Có 200 nguồn gen sinh vật có giá trị đã được điều tra, thu thập và lập danh mục. Thực hiện đánh giá ban đầu 104 nguồn gen vi sinh vật thuộc danh mục được xác lập; đánh giá chi tiết 20 nguồn gen vinh vật đã được đánh giá ban đầu; giám định ADN 20 nguồn gen sinh vật đã được đánh giá chi tiết. Đánh giá tiềm năng phát triển của nguồn gen, xác định 10 nguồn gen có giá trị kinh tế cao, có thể tạo ra sản phẩm thương mại mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, từ đó đề xuất phát triển nguồn gen.
Tuy nhiên, nhận thức của cộng đồng và xã hội về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là bảo tồn nguồn gen cây trồng và vật nuôi còn hạn chế. Thiếu sự quan tâm đúng mức trong quản lý và tư liệu hóa nguồn gen. Thiếu sự chú trọng đến nguồn gen bản địa, quý hiếm. Phương pháp bảo tồn chưa đa dạng. Các nguồn gen được bảo tồn tại địa phương đang đối mặt với nguy cơ suy giảm chất lượng. Mô hình khai thác và phát triển nguồn gen còn phân tán, nhỏ lẻ…
Với mục tiêu thu thập, xác định nguồn gen một số cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật, nấm có giá trị kinh tế, xã hội, y dược, khoa học và môi trường cần bảo tồn và phát triển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030; nhằm phục vụ công tác lưu giữ; chọn tạo giống; xây dựng các vùng nuôi trồng chuyên canh cho các giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật, nấm có khả năng tạo ra sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP giá trị cao; nguồn gen đặc sản, đặc hữu; nguồn gen có nguy cơ thất thoát và tuyệt chủng cao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đề án đặt mục tiêu điều tra, thu thập bổ sung, lập được danh mục ít nhất 300 nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị. Bổ sung danh mục đánh giá ban đầu 250 nguồn gen đã điều tra, thu thập và đánh giá chi tiết 30 nguồn gen đã được đánh giá ban đầu. Du nhập, nuôi/trồng thử nghiệm 3-4 giống cây trồng; 2-3 giống vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế, giá trị ứng dụng. Duy trì, nâng cấp phần mềm cơ sở dữ liệu nguồn gen; đăng ký tham gia mạng lưới quỹ gen quốc gia gồm 500 nguồn gen đã được điều tra, thu thập.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại hội nghị.
Duy trì các mô hình bảo tồn 119 nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật, nấm đang được bảo tồn tại các cơ sở nghiên cứu, đào tạo và các cơ sở bảo tồn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Bảo tồn (bổ sung mới), lưu giữ an toàn 20-25 nguồn gen cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vi sinh vật và nấm có giá trị và một số nguồn gen có nguy cơ thất thoát, tuyệt chủng cao.
Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi, trồng thử nghiệm; sản xuất thử nghiệm 10-12 nguồn gen; xây dựng và hoàn thiện kỹ thuật nhân giống và kỹ thuật nuôi, trồng phù hợp với điều kiện Thanh Hóa. Xây dựng 10-12 mô hình chuyên canh các đối tượng chủ lực, nguồn gen bản địa có giá trị kinh tế cao, phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa lớn gắn với chuỗi giá trị…
Đề án cũng xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp, các dự án ưu tiên đầu tư trong thực hiện sưu tầm, bảo tồn và phát triển nguồn gen một số cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2023.
Tại hội nghị, đại biểu các sở, ngành cơ bản thống nhất với mục tiêu, định hướng, giải pháp mà đề án đã xây dựng.
Các đại biểu cũng đã thảo luận, thống nhất về việc đề nghị kết thúc việc giao nhiệm vụ tham mưu ban hành “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ trong nông nghiệp cho Viện Nông nghiệp Thanh Hóa”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang kết luận tại hội nghị.
Kết luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang đánh giá cao sự nỗ lực của Viện Nông nghiệp cũng như các ngành thành viên, chuyên gia nghiên cứu trong khảo sát, đánh giá việc sưu tầm, bảo tồn và phát triển nguồn gen và xây dựng Đề án “Sưu tầm, bảo tồn và phát triển nguồn gen một số cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2023”.
Việc xây dựng và thực hiện đề án là cần thiết và cấp bách, không chỉ giúp bảo vệ tài nguyên di truyền mà còn đảm bảo cơ sở cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nguồn gen phục vụ nghiên cứu và phát triển.
Để đề án có giá trị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Viện Nông nghiệp Thanh Hóa và hội đồng chuyên gia tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các nội dung của đề án, trong đó chú trọng cập nhật thêm các số liệu, làm rõ các nhiệm vụ, dự án tư tiên đầu tư, bổ sung các nguồn gen về cây trồng, vật nuôi, thủy sản có giá trị… để đề án khi phê duyệt được thực hiện hiệu quả hơn. Đồng chí yêu cầu Viện Nông nghiệp Thanh Hóa nhanh chóng hoàn thiện đề án trong năm nay.
Đối với “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ trong nông nghiệp cho Viện Nông nghiệp Thanh Hóa”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc dừng nhiệm vụ tham mưu ban hành “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ trong nông nghiệp cho Viện Nông nghiệp Thanh Hóa”. Đồng thời, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp Sở Tài chính rà soát, sửa đổi, bổ sung Quyết định 3387/QĐ-UBND ngày 26/8/2019 về danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trình UBND tỉnh trước ngày 20/12/2024.
Thùy Linh
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/pho-chu-tich-ubnd-tinh-le-duc-giang-chu-tri-hoi-nghi-nghe-bao-cao-mot-so-noi-dung-ve-linh-vuc-nong-nghiep-231656.htm