(MPI) – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ký ban hành Quyết định số 2500/QĐ-BKHĐT ngày 30/10/2024 phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ảnh minh họa. |
Kết quả thực hiện kế hoạch năm 2024
Theo đó, về tình hình thực hiện mục tiêu đặt ra năm 2024, trong ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 100% đơn vị ứng dụng Nền tảng Quản trị số tổng thể; 100% văn bản trao đổi có sử dụng chữ ký số, hồ sơ công việc tại cấp Bộ được xử lý trên môi trường mạng đối với các nội dung không chứa bí mật nhà nước trên Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành; 100% hồ sơ cán bộ được lưu trữ trên CSDL và cập nhật thông tin phát sinh trên Hệ thống Quản lý cán bộ, công chức, viên chức: 100% công chức, viên chức, lao động hợp đồng và các đơn vị ứng dụng Hệ thống thư điện tử; 100% nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Bộ được theo dõi, cập nhật trên Hệ thống theo dõi nhiệm vụ.
100% công chức viên chức và người lao động được bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; 100% các đơn vị được đánh giá kết quả chuyển đổi số năm 2023 và đã có thông báo gửi các đơn vị thuộc Bộ.
Trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ người dân và doanh nghiệp, về nền tảng giải quyết thủ tục hành chính cung cấp: Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thủ tục hành chính bao gồm cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thủ tục hành chính trên Nền tảng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính và các Hệ thống ứng dụng chuyên ngành; Đã công bố Danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần thuộc phạm vi quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Quyết định số 2314/QĐ-BKHĐT ngày 23/12/2022); 100% các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp trực tuyến mức độ toàn trình phải hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ toàn trình và kết nối với Cổng dịch vụ công của Bộ theo thời gian thực….
100% DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến; 99,5% hồ sơ được xử lý trực tuyến; 94,4% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được tích hợp, cho phép thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp kết nối với Hệ thống của Chính phủ, đảm bảo tiếp nhận 100% thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp và chuyển cho các đơn vị liên quan để giải quyết. Công bố 100% thông tin phản hồi đảm bảo người dân, doanh nghiệp tiếp cận được thông tin. Truyền thông điện tử thực hiện cung cấp đầy đủ thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Bộ theo Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022.
Công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đã hoàn thiện, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách về hỗ trợ kinh phí đào tạo, tư vấn, thuê, mua giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại các Thông tư hướng dẫn. Đây là những căn cứ pháp lý mang tính chất nền móng và là căn cứ pháp lý để các cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn lực của mình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức các khoá đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số trong sản xuất công nghiệp, xây dựng, quản lý chuỗi cung ứng trong ngành nông nghiệp tại các tỉnh Nam Định, Bình Dương, Thanh Hóa… Các khóa đào tạo nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi số và áp dụng các giải pháp, công nghệ số nhằm cải tiến hiệu quả hoạt động sản xuất, chuẩn hóa quy trình, áp dụng chuyển đổi số quản lý tổng thể nhà máy. Hỗ trợ tư vấn 1-1 tại các doanh nghiệp để xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ cải tiến áp dụng vào quy trình quản trị, sản xuất của doanh nghiệp.
Trong ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cơ quan nhà nước, 100% các bộ, ngành và địa phương lập, giao, tổng hợp kế hoạch đầu tư công trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công; 100% bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty thực hiện báo cáo giám sát đầu tư trên Hệ thống thông tin về giám sát và đánh giá đầu tư; Đã xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo của Bộ và hoàn thành kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Kết quả gửi, nhận báo cáo: 56,4% (57/101 chỉ tiêu báo cáo) theo Quyết định số 293/QĐ-TTg; Điện tử hóa chế độ báo cáo: 100% (57/57 chỉ tiêu) theo Thông tư số 19/2022/TT-BKHĐT.
Ngoài ra, Kế hoạch bảo đảm an toàn, an ninh mạng tổng thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt tại Quyết định số 1632/QĐ-BKHĐT ngày 02/10/2023. 100% các hệ thống thông tin được phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ và triển khai phương án được phê duyệt.
Đánh giá tình hình thực hiện các nhiệm vụ năm 2024, công tác Chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Lãnh đạo Bộ quan tâm và chỉ đạo sát sao. Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Bộ, đặc biệt là Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số của Bộ, ngay từ ngày 29/12/2023 Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 2123/QĐ-BKHĐT phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2024 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc các nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông qua các các báo cáo hằng quý trước các Phiên họp của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Ngoài ra đối với các đơn vị trong Bộ, Bộ đã triển khai đánh giá mức độ chuyển đổi số và hoàn thành vào trước ngày 10/10 hằng năm.
Nội dung kế hoạch năm 2025
Quyết định nêu rõ, mục tiêu trong năm 2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục ứng dụng có hiệu quả các hệ thống thông tin phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành của Bộ: Nền tảng quản trị số tổng thể; Hệ thống Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc; Hệ thống thư điện tử; Hệ thống Quản lý tài liệu lưu trữ điện tử; Phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức của Bộ; Hệ thống theo dõi nhiệm vụ.
Tiếp tục triển khai hiệu quả việc phổ cập kỹ năng chuyển đổi số tới 100% công chức viên chức và người lao động. Tiếp tục triển khai đánh giá chỉ số Chuyển đổi số của Bộ: 100% các đơn vị được đánh giá.
Cung cấp thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 và các hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ. 80% dịch vụ công trực tuyến toàn trình, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; Hồ sơ trực tuyến toàn trình của các dịch vụ công trực tuyến đạt tỷ lệ trung bình tối thiểu 85%.
Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp: kết nối với Hệ thống của Chính phủ, đảm bảo tiếp nhận 100% thông tin phản ánh của người dân, doanh nghiệp và chuyển cho các đơn vị liên quan để giải quyết. Công bố 100% thông tin phản hồi đảm bảo người dân, doanh nghiệp tiếp cận được thông tin một cách chính xác và kịp thời.
Đưa thông tin của Cổng thông tin điện tử của Bộ trở thành nguồn thông tin được các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, quốc tế quan tâm, sử dụng và góp phần làm công khai, minh bạch thông tin hoạt động của Bộ.
Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư: Nâng cấp để đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá tin học hoá các nghiệp vụ quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài.
Cổng thông tin doanh nghiệp: Trang thông tin điện tử kết nối, cung cấp các thông tin, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tích hợp thông tin về doanh nghiệp, mạng lưới tư vấn viên, chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ dẫn kinh doanh, báo cáo nghiên cứu ngành, thị trường, chương trình chuyển đổi số, tiếp nhạn ý kiến của doanh nghiệp
Cổng dữ liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cung cấp các dữ liệu của Bộ theo quy định.
Đẩy mạnh phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực: đấu thầu, đăng ký doanh nghiệp, kinh tế hợp tác, đầu tư nước ngoài, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, quy hoạch,… và các lĩnh vực chuyên ngành khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ trên cơ sở cải cách hành chính, thực hiện chuyển đổi số để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn, an ninh mạng. Cụ thể, sẽ cập nhật, xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành quy chế đảm bảo an toàn, an ninh mạng và phương án tổng thể đảm bảo an toàn, an ninh mạng của Bộ. Bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ: 100% Các hệ thống thông tin được phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ và triển khai phương án được phê duyệt.
Tổ chức tối thiểu 02 lớp đào tạo chuyên sâu đội ngũ thực hiên nhiệm vụ chuyên trách an toàn, an ninh mạng và chuyên trách bảo vệ an ninh mạng. Phổ cập kỹ năng an toàn, an ninh mạng tới 100% công chức viên chức và người lao động.
Một số nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: (1) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; kiểm tra, giám sát hoạt động chuyển đổi số; (2) Thể chế số, chính sách số; (3) Hạ tầng số; (4) Nhân lực số; (5) Phát triển dữ liệu số; (6) An toàn, an ninh mạng; (7) Chính phủ số; (8) Nâng cao nhận thức, tuyên truyền, truyền thông và các giải pháp khác đẩy mạnh chuyển đổi số, đảm bảo an toàn thông tin./.