Phát triển vườn hộ, vườn mẫu là chỉ tiêu bắt buộc trong xây dựng tiêu chí sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân ở các xã NTM nâng cao. Trên cơ sở đó, các xã NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh đã phát triển nhiều vườn hộ, vườn mẫu thành những mô hình kinh tế hiệu quả gắn với cải tạo cảnh quan sinh thái làng quê.
Mương nuôi ốc nhồi giữa các luống cây ăn quả tại vườn mẫu của gia đình ông Đoàn Văn Long, xã Quảng Định (Quảng Xương).
Từ năm 2021, xã Hà Lai (Hà Trung) đã được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là một trong những địa phương điển hình của huyện Hà Trung trong phát triển chỉ tiêu xây dựng vườn mẫu. Đến nay, hàng chục khu vườn được cải tạo, đầu tư thâm canh theo tiêu chí của xã NTM nâng cao ở đây vẫn phát huy hiệu quả, tạo thêm hiệu ứng cho phát triển kinh tế vườn, khơi dậy quỹ đất của địa phương.
Được địa phương giao thầu 9.000m2 đất đồi phía sau nhà, ông Nguyễn Ngọc Doãn, xã Hà Lai đã cải tạo cây bụi, hình thành nên vườn bưởi đường chín muộn. Từ bàn tay cần mẫn của vợ chồng người cựu chiến binh 66 tuổi này, những khoảng đất đá pha quặng trơ cứng dần trở thành màu mỡ cho cây trồng phát triển. Tuy trên đồi cao khó khăn canh tác, nhưng chủ vườn Nguyễn Ngọc Doãn đã xây dựng hệ thống tưới phun mưa, có hệ thống đường ống đẩy nước đến từng khoảnh vườn. Quanh khu vườn là khoảng 1.000 cây sưa đỏ 5 – 6 năm tuổi. Những năm gần đây, 500 cây bưởi đường đã đem về doanh thu 700 triệu đồng mỗi năm, lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng. Điều đáng nói là khu vườn được đầu tư trồng bài bản theo các đường đồng mức triền đồi, phủ màu xanh lên một khu vực làng quê nên có vai trò tạo cảnh quan xanh mát. Phương thức canh tác hữu cơ cũng giúp bưởi được các thương lái đến tận vườn thu mua; đồng thời góp phần thay đổi tư duy làm vườn của nhiều hộ trong vườn.
“Thực hiện nhiệm vụ xây dựng vườn mẫu trong NTM, hàng chục vườn nhà có diện tích từ 500m2 trở lên đã được vận động cải tạo, xây dựng các mô hình cây – con, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Mô hình vườn bưởi triền đồi của gia đình ông Nguyễn Ngọc Doãn là điển hình trong số đó. Hiện có nhiều đoàn đã đến tham quan, học tập mô hình vườn mẫu này”, Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại xã Hà Lai Mai Xuân Hưng chia sẻ.
Tại xã NTM nâng cao Quảng Định (Quảng Xương), mô hình kinh tế vườn mẫu của gia đình ông Đoàn Văn Long đã trở thành điển hình phát triển V-A-C trong huyện. Vốn có diện tích vườn lên đến 3.800m2, nhưng trước kia gia đình ông Long chủ yếu để cây tạp, nhiều loại um tùm trong vườn. “Từ năm 2018, thực hiện chủ trương của xã và huyện về cải tạo vườn tạp để phát triển kinh tế theo Chương trình XDNTM, tôi đã được vận động, rồi từ đó thay đổi tư duy cách nghĩ, cách làm. Đầu tiên, tôi cải tạo trồng 500m2 cây ăn quả, đào ao rộng 1.500m2. Cây ăn quả trong vườn được trồng theo hàng lối, thâm canh với hệ thống tưới phun mưa đến từng góc vườn, áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất”, ông Đoàn Văn Long cho biết.
Đến đầu năm 2023, gia đình ông Long tiếp tục đào thêm ao nuôi ốc nhồi để tăng thu nhập. Dưới những hàng bưởi và cây ăn quả được ông tận dụng nuôi gà thả vườn. Hiện vườn hộ được gia chủ đầu tư xây dựng đường nội vườn, hệ thống rãnh thoát nước kiên cố, bài bản. Giữa các hàng cây được ông đào những con mương nhân tạo, vừa nuôi thả ốc nhồi, vừa dẫn nước đến tận gốc cây.
Theo hạch toán của chủ vườn Đoàn Văn Long, năm 2022, riêng ốc nhồi và cá đã cho thu nhập gần 150 triệu đồng. Cộng với sản phẩm chăn nuôi và cây ản quả, tổng doanh thu từ khu vườn đã đạt 200 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng. Năm 2023, tổng thu nhập nâng lên 280 triệu đồng, lợi nhuận gần 200 triệu đồng.
Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại xã Quảng Định Nguyễn Văn Thơm cho biết: “Hưởng ứng chương trình XDNTM và các chỉ đạo của xã, chúng tôi đã vận động các hộ cải tạo vườn tạp, đầu tư hệ thống tưới tiêu, hình thành nên các mô hình kinh tế V-A-C ngay trong vườn nhà. Riêng thôn Định Thanh có hơn 200 hộ dân thì có tới 1/3 số hộ đã cải tạo vườn sạch đẹp để trồng cây ăn quả, trồng rau màu. Điển hình là hộ ông Đoàn Văn Long đã biến vườn nhà thành mô hình vườn trại kinh tế tổng hợp, trở thành mẫu hình của địa phương”.
Nhiều năm trên cương vị Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM tỉnh, ông Trần Đức Năng, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại tỉnh, cho biết: “Không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, các mô hình vườn mẫu còn phải được cải tạo sạch đẹp và khoa học để trở thành những tiểu sinh thái vùng quê. Đã là vườn mẫu, tức là ở dạng mẫu hình cho người khác đến tham quan, học tập. Kể cả có hiệu quả kinh tế cao nhưng để cây cối lơm nhơm, bố trí sản xuất luộm thuộm cũng không được. Rất đáng mừng là, đến nay đã có nhiều mô hình vườn mẫu hiệu quả ở mọi xã NTM nâng cao và đã trở thành phong trào sâu rộng, có sự lan tỏa”.
Bài và ảnh: Linh Trường