Trong XDNTM, tiêu chí sản xuất có vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế – xã hội ở các địa phương, làm nền tảng để hoàn thành các chỉ tiêu về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo.
Nhờ được bao tiêu đầu ra sản phẩm, hội viên HTX Dịch vụ nông nghiệp CNC Hoằng Đạt, xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa) đã yên tâm tập trung vào sản xuất.
Để nâng cao thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo cho người dân trên địa bàn, chính quyền xã Hà Long (Hà Trung) đã thực hiện tốt các tiêu chí tổ chức sản xuất. Trong đó, tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, phát triển mô hình sản xuất theo hướng hàng hóa, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, xã có hàng loạt vùng thâm canh cây ăn quả như: Bưởi ruột hồng, ổi lê, dứa thương phẩm, thanh long ruột đỏ…
Từ hộ gia đình chỉ sống dựa vào các loại cây truyền thống như ngô, khoai, sắn, đến nay gia đình chị Nguyễn Hồng Vân, thôn Đại Sơn, xã Hà Long đã có đời sống ổn định nhờ trồng, liên kết sản xuất dứa với các doanh nghiệp. Với diện tích hơn 1,5ha dứa, gia đình chị đã được Công ty TNHH Tư Thành và Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản Đồng Xanh (đều ở TP Thanh Hóa) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Theo chị Vân, “việc liên kết sản xuất gắn tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp đã giúp gia đình tôi và các hộ trồng dứa khác không còn lo lắng khi thị trường rớt giá và khó tiêu thụ đợt chính vụ. Dù giá cao hay thấp, chúng tôi cũng không còn bị áp lực về vấn đề tiêu thụ mà thay vào đó vẫn có nguồn thu nhập tương đối tốt, mang lại cuộc sống ổn định”.
Ông Nguyễn Hữu Thành, Chủ tịch UBND xã Hà Long (Hà Trung), cho biết: “Trong XDNTM, việc đổi mới tổ chức sản xuất là điều vô cùng cần thiết. Các mô hình sản xuất nhỏ lẻ sau khi chuyển đổi, ứng dụng công nghệ và liên kết theo chuỗi đã giúp người dân thoát khỏi cảnh đời sống bấp bênh, ổn định thu nhập. Đồng thời, hình thành nên các vùng chuyên canh sản xuất, từ đó tạo nên những sản phẩm đặc trưng của xã. Hiện Hà Long có vùng sản xuất dứa 650ha và 150ha trồng ổi, trong đó có 70ha ổi đã được công nhận đạt chuẩn OCOP. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 62 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,5%. Việc đẩy mạnh thực hiện tiêu chí số 13 này được xem là “cánh cửa” giúp bà con nông dân tiếp cận được cách nghĩ, cách làm mới, từ đó giúp đời sống được nâng lên về mọi mặt”.
Mô hình liên kết trồng dứa giúp gia đình chị Nguyễn Hồng Vân, thôn Đại Sơn, xã Hà Long (Hà Trung) có đời sống ổn định.
Tại xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa), không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp, HTX liên kết với nông dân để sản xuất theo chuỗi giá trị, mà còn khuyến khích các đơn vị tích cực chuyển đổi số nhằm quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Tiêu biểu như HTX Dịch vụ nông nghiệp CNC Hoằng Đạt đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm dưa vàng, dưa chuột và các loại rau, củ, quả sạch cho nông dân. Đồng thời cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, kiến thức và quy trình trồng bài bản để bà con nông dân thực hiện. Từ đó giúp bà con nông dân gia tăng thu nhập, ổn định đời sống, chú tâm vào sản xuất. Các sản phẩm sau khi thu hoạch của HTX đã được cung cấp vào chuỗi siêu thị và nhiều cửa hàng hoa quả sạch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, HTX cũng chủ động đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng, bằng cách ứng dụng nền tảng số như: giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội facebook, zalo; bán hàng tại các sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh như: thuongmaidientuthanhhoa.vn hay nongsanantoanthanhhoa.vn…
Hiện trên địa bàn xã có 15 doanh nghiệp, 212 hộ kinh doanh cá thể và 1 HTX dịch vụ nông nghiệp CNC. Các hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và cơ sở góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/người/tháng và đạt thu nhập bình quân đầu người 60 triệu đồng/năm.
Việc thực hiện tiêu chí sản xuất đã giúp các địa phương thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, chuyển từ sản xuất đơn lẻ sang sản xuất quy mô lớn, theo hướng hàng hóa, góp phần tạo nên sự thành công trong XDNTM.
Bài và ảnh: Chi Phạm