Đầu năm 2024 xã Bãi Trành (Như Xuân) được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao sau nhiều năm nỗ lực. Là xã miền núi với tiềm năng đất đồi và vườn rừng lớn, địa phương đã phát huy được tiềm năng để phát triển sản xuất, trở thành tiêu chí nổi trội.
Ông Lương Kim Ánh ở thôn 10, xã Bãi Trành kiếm tra sinh trưởng của cây cam trong trang trại.
Dọc tuyến đường Hồ Chí Minh những vườn đồi lượn sóng màu mỡ của xã Bãi Trành chạy dài ngút ngàn. Nếu như ở nhiều xã miền núi trong huyện cũng như trong tỉnh vẫn đa phần là cây keo hiệu quả kinh tế thấp, thì ở Bãi Trành diện tích này đã được phủ xanh bởi cây ổi, thanh long, chè, cam, quýt, bưởi… Sự cần cù của người dân cùng định hướng đúng của huyện Như Xuân cũng như xã Bãi Trành từ nhiều năm trước, đã biến vùng đất này thành một trong những “vựa” cây ăn quả của Thanh Hóa. Đa phần những đồi đất đỏ ba zan ở vùng đất giáp tỉnh Nghệ An này đã được cải tạo thành những mô hình sản xuất theo quy hoạch, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất.
Tại thôn 10 trong xã, mô hình trang trại tổng hợp đồi rừng của ông Lương Kim Ánh trở thành hình mẫu phát triển sản xuất của địa phương. Do chủ động dồn đổi, tích tụ từ hơn chục năm trước nên đến nay, ông Ánh đã bố trí thành khu sản xuất khá khoa học và có quy mô lớn bậc nhất trong vùng. Bước vào khu đồi là những khu trồng cây ăn quả tầm thấp để không che khuất không gian như thanh long và ổi lê. Tiếp đến là khu nhà điều hành và nhà ở công nhân, xung quanh được bố trí các loại bưởi da xanh, quýt ngọt. Phía xa nhà là khu vực trồng vải thiều và rừng cao su. Đáng nói, đa phần khu sản xuất 8,5ha này đều được lắp hệ thống béc tưới phun mưa hiện đại và tưới nhỏ giọt đến từng gốc cam và quýt để thay thế sức người và tiết kiệm nước.
Theo ông Lương Kim Ánh, tính đến nay gia đình ông đang có 3,5ha các loại cây ăn quả, 4ha cao su, 1ha mía. Khu vực không có dân cư phía cuối đồi, ông xây dựng hệ thống chuồng trại 254m2 để nuôi lợn hướng nạc, rồi thả đàn lợn rừng theo hướng nuôi bán tự nhiên. Toàn bộ chất thải từ hệ thống chuồng nuôi được xử lý bởi các bể bioga, các hố ủ để biến chất thải thành phân bón cho cây trồng trong trang trại. Do quy mô sản xuất lớn, từ nhiều năm nay gia đình ông đã thuê 7 công nhân thường xuyên làm việc. Riêng tiền công lao động, mỗi năm ông đã chi trả gần 450 triệu đồng.
Với 800 gốc ổi, 750 gốc bưởi da xanh cho năng suất cao cùng hàng nghìn cây cam và quýt đã góp phần đưa tổng thu nhập từ cây ăn quả trong trang trại mỗi năm lên hơn 1 tỷ đồng. Đồi mía và rừng cao su hàng năm cũng mang lại nguồn thu ổn định lần lượt 100 và 250 triệu đồng. Doanh thu từ chăn nuôi lợn mỗi năm cũng đạt hơn 2 tỷ đồng, chưa tính gần 100 triệu đồng từ các đàn ong đặt ngay trong khu vực rừng cây của mình. Theo hạch toán của ông Ánh, những năm gần đây tổng doanh thu của gia đình dao động từ 4 đến 4,5 tỷ đồng, trừ các chi phí và nhân công vẫn cho lợi nhuận trên dưới 2 tỷ đồng mỗi năm.
Trong toàn xã, hộ nông dân làm giàu thành công trên đồi đất quê hương với thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm thì khó kể hết, bởi có ở mọi thôn làng. Những năm gần đây, cùng với một số xã ở huyện Thạch Thành, Bãi Trành nổi lên như một vùng ổi lê nổi tiếng của tỉnh. Do thổ nhưỡng phù hợp, chất lượng ổi ngọt, giòn và thơm ngon nên sản phẩm được bán đi nhiều tỉnh phía Bắc. Cây cam Xã Đoài cũng khẳng định được sự phù hợp với năng suất, chất lượng tốt trên vùng đất Bãi Trành. Việc trồng ổi, cam đã có sự liên kết, phát triển quy mô lớn chứ không còn tự phát.
Ổi lê ở đây đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ năm 2021 với tên thương mại “Ổi lê Như Xuân”. Từ đó, địa phương có HTX dịch vụ nông nghiệp Bãi Trành để liên kết, kết nối các chủ hộ sản xuất theo quy trình an toàn, đúng kỹ thuật canh tác hiện đại. Các vùng chuyên canh ổi tập trung được xã bố trí tại thôn 3, thôn 6, thôn 10 với 15 hộ tham gia trên tổng diện tích 11ha đang phát triển hiệu quả. Quả ổi ở đây còn được gắn mã QR truy xuất nguồn gốc và chú trọng phát triển thị trường.
Tuy ở khu vực miền núi, nhưng nông nghiệp nơi đây đã sớm gắn với khoa học – kỹ thuật để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho nông dân. Điển hình như mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao về trồng rau an toàn của ông Hoàng Trọng Lượng tại thôn Nhà Máy với hệ thống nhà lưới hiện đại. Chủ mô hình đầu tư xây dựng bể tưới, các ô chứa chất thải, nhà bảo quản nông sản, bố trí hệ thống tự động về điện, nước, thực hiện quy trình kỹ thuật trồng khép kín.
Với vai trò làm cầu nối cho sản xuất cũng như phát triển các khâu dịch vụ cho sản xuất nông nghiệp, ở xã Bài Trành còn có HTX Vĩnh Thịnh Bãi Trành chủ yếu làm công tác bảo vệ, dịch vụ thủy lợi, cung ứng phân bón… Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, HTX đã cho thấy hiệu quả, tạo được niềm tin của xã viên và nông dân địa phương.
Từ phát triển sản xuất, thu nhập của người dân Bãi Trành liên tục tăng nhanh trong những năm gần đây. Thống kê từ UBND xã, năm 2022 thu nhập bình quân đầu người đạt 58,7 triệu đồng/người, đến năm 2023 đạt 59,824 triệu đồng/người. Xét theo Tiêu chí số 10 của xã NTM nâng cao về “thu nhập”, Bãi Trành là xã vùng 2 nông thôn miền núi, thu nhập bình quân đầu người phải đạt từ 58 triệu đồng/người/năm trở lên, thì đến nay địa phương đã vượt quy định. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã cũng giảm còn hơn 1%, trong khi quy định chỉ dưới 4%.
Bài và ảnh: Linh Trường