Thanh Hóa có 3 cửa khẩu đất liền là Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (Quan Sơn), Cửa khẩu Tén Tằn (Mường Lát), Cửa khẩu Khẹo (Thường Xuân), giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Phát huy lợi thế trên, những năm qua, các sở, ngành có liên quan của tỉnh và các huyện có cửa khẩu đã và đang triển khai các giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm phát triển thương mại qua biên giới.
Các phương tiện vận tải thông quan qua Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo.
Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo kết nối giao thương với huyện Nậm Xôi, tỉnh Hủa Phăn, được đánh giá là khu vực biên giới có hoạt động thương mại sầm uất. Hiện nay, các hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu giữa hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn đã được tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi về thủ tục hải quan. Bên cạnh đó, được sự đầu tư của Đảng, Nhà nước khu vực biên giới đã xây dựng, cải tạo một số tuyến đường, như: Đường tuần tra biên giới; đường thị trấn Mường Lát – Đồn Biên phòng 483 – mốc quốc giới G3, thúc đẩy giao thương hàng hóa thuận tiện hơn. Các mặt hàng xuất khẩu chính của tỉnh qua biên giới chủ yếu là vật liệu xây dựng, như: sắt, xi măng, gạch ceramic, thiết bị vệ sinh và máy móc, thiết bị thi công công trình; các mặt hàng nhập khẩu là gỗ, lâm sản, nông sản. Theo thống kê, 9 tháng năm 2023, tổng số hàng hóa xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đạt trên 68.000 tấn, nhập khẩu 24.832 tấn, hàng tạm nhập tái xuất 4.065 tấn, hàng hóa quá cảnh 10.436 tấn, tổng giá trị ước đạt 20.351 USD.
Để thúc đẩy hoạt động thương mại với nước bạn Lào, đầu năm 2023, Sở Công Thương đã tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch COVID-19; cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, thông quan. Đồng hành và tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân hai nước, cũng như nước thứ ba trong hoạt động thương mại biên giới. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cùng các sở, ban, ngành liên quan và các huyện biên giới tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung các hiệp định song phương Việt Nam – Lào đã ký kết, các quy định pháp luật giữa Việt Nam và Lào liên quan đến hoạt động thương mại, mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới tới các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có liên quan; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm, tập huấn; thực hiện niêm yết danh mục hàng hóa… Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng cho 16 xã biên giới, đặc biệt là hạ tầng khu vực cửa khẩu nhằm từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội khu vực biên giới; chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực biên giới…
Sau dịch bệnh COVID-19, từ đầu năm 2023 đến nay hoạt động thương mại qua biên giới giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn dần khôi phục, ổn định và phát triển trở lại; quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại khởi sắc và trên đà tăng trưởng nhiều lĩnh vực. Hai bên tiếp tục thực hiện chủ trương về hoạt động thương mại biên giới nhằm đẩy mạnh giao thương hàng hóa, mua bán mậu dịch, không để xảy ra mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và ùn tắc hàng hóa tại khu vực cửa khẩu. Nhìn chung các tổ chức, cá nhân và Nhân dân hai bên biên giới cơ bản chấp hành tốt pháp luật của nước sở tại, thông lệ quốc tế và các quy định của địa phương. Các đơn vị thường trú tại cửa khẩu đã tích cực cải cách hành chính, thực hiện nhiệm vụ nhanh gọn, tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa lưu thông. Hàng hóa có nguồn gốc thực phẩm xuất nhập khẩu không có sự thay đổi lớn, hầu hết vẫn là các mặt hàng truyền thống, như: Gỗ nguyên liệu các loại, nan thanh, ngô hạt, xi măng, sắt thép… Tổng giá trị xuất nhập khẩu đạt 19,672 triệu USD; trong đó, giá trị xuất khẩu đạt trên 14,989 triệu USD, giá trị nhập khẩu đạt 4,682 triệu USD.
Để thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển, ngày 11-6-2021, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 112/KH-UBND về thực hiện Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng thương mại biên giới bám sát các chương trình, mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế – xã hội vùng miền núi của tỉnh. Đồng thời, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ với phát triển các hệ thống cửa khẩu biên giới của tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn, phù hợp với các chương trình kết nối, hợp tác kinh tế, quốc phòng – an ninh giữa hai Nhà nước Việt Nam – Lào và hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn; từng bước điều chỉnh, ban hành một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng để thu hút doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa…
Bài và ảnh: Khắc Công