Những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang chú trọng đến việc nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững. Do đó, các địa phương đã khuyến khích người dân phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp an toàn để giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn với sức khỏe người tiêu dùng.
Mô hình trồng nho hạ đen tại xã Tế Lợi (Nông Cống) áp dụng các giải pháp bảo vệ môi trường.
Anh Lê Văn Thành, xã Tế Lợi (Nông Cống) là một trong những hộ nông dân sử dụng phương pháp canh tác theo hướng hữu cơ để sản xuất nông nghiệp bền vững. Anh Thành cho biết, với hơn 10.000m2 sản xuất nho hạ đen gia đình đang thực hiện các biện pháp chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo hướng “thuận tự nhiên”, tôn trọng hệ sinh thái vườn và không dùng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đây là hướng canh tác bền vững, vừa giữ gìn vệ sinh môi trường, vừa bảo vệ và nâng cao chất lượng đất. Cùng với đó, việc sản xuất không thuốc BVTV, không phân bón hóa học… còn giúp người nông dân hạn chế tối đa việc phải tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe và tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá thành sản phẩm so với những sản phẩm cùng loại sản xuất theo hướng đại trà.
Tại vùng sản xuất rau của thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa), có 100% hộ dân sản xuất rau áp dụng các biện pháp sản xuất “thân thiện” với môi trường, nhằm tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn cho người sử dụng. Trong đó, đa phần người dân đã chú trọng sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ thay cho phân bón vô cơ và thuốc BVTV. Ông Lê Văn Dung, phó giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, cho biết: HTX có 180 thành viên, với chủ trương phát triển sản xuất an toàn gắn với bảo vệ môi trường, HTX đã vận động Nhân dân phát triển mô hình sản xuất rau an toàn VietGAP giúp kiểm soát được lượng phân bón, thuốc BVTV và bảo đảm chất lượng an toàn cho sản phẩm. Thông qua những quy trình sản xuất an toàn, thân thiện với môi trường nhận thức của người dân được nâng cao. Từ đó, hàng chục thành viên HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới để sản xuất nông nghiệp, mang lại hiệu quả cao hơn trong sản xuất và bảo vệ môi trường.
Không chỉ ở một số chủ thể điển hình áp dụng phương pháp sản xuất an toàn, góp phần bảo vệ môi trường mà hầu hết các địa phương đều chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp thông qua các cuộc vận động, chương trình của các hội, đoàn thể. Tiêu biểu, như: Hội nông dân toàn tỉnh đã xây dựng hơn 20.000 bể chứa vỏ chai, túi thuốc trừ sâu, thuốc BVTV qua sử dụng để đưa đi xử lý, tiêu hủy, hàng trăm mô hình chăn nuôi an toàn sinh học… Ngành nông nghiệp Thanh Hóa đang hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện môi trường… Do đó, các địa phương đã khuyến khích Nhân dân đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi theo hướng hữu cơ, bảo đảm sức khỏe người dân. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 170 ha nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; 13.500 ha sản xuất rau an toàn, hơn 765 ha sản xuất nông nghiệp chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học; hạn chế sử dụng thuốc BVTV, giống biến đổi gen, 39 khu, cụm trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn, khoảng 700 trang trại chăn nuôi áp dụng chăn nuôi theo hướng công nghệ cao và an toàn sinh học.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn gắn với bảo vệ môi trường thường có chi phí rất cao, trong khi đó, giá bán nông sản an toàn còn bấp bênh. Do đó, hằng năm, ngành nông nghiệp, các đơn vị liên quan và các địa phương thường phối hợp tổ chức các khóa tập huấn, nâng cao trình độ sản xuất theo quy trình VietGAP, sản xuất an toàn. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu; kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng thuốc BVTV. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố cũng tập trung phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, đưa các trang trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư; nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP.
Để phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, ngành nông nghiệp đã và đang phối hợp cùng các ngành chức năng, địa phương tuyên truyền kinh nghiệm hay, phương pháp và cách làm sáng tạo hiệu quả để người dân học tập. Đồng thời, tỉnh cũng có nhiều cơ chế “mở cửa”, tạo hành lang thông thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Cùng với việc áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất, các địa phương cũng tăng cường công tác quản lý, giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường nông nghiệp. Nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của các cấp và mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.
Bài và ảnh: Lê Thanh