Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, đến nay các sản phẩm du lịch của Thanh Hóa đã được hình thành rõ nét, phát triển cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh. Phát huy kết quả đạt được, tỉnh Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm, tour, tuyến du lịch mới. Đây được xem là hướng đi quan trọng nhằm thu hút đông đảo du khách, nhất là khách quốc tế.
Đền thờ nàng Bình Khương – điểm đến hấp dẫn trong hành trình kết nối Di sản Thành Nhà Hồ với các di tích nội vùng.
Cho đến nay, yếu tố mùa vụ vẫn là hạn chế lớn nhất của du lịch Thanh Hóa. Chính vì vậy, kể từ khi du lịch mở cửa trở lại (ngày 15/3/2022) đến nay, hướng đi quan trọng được tỉnh đẩy mạnh triển khai, thực hiện đó là phát triển sản phẩm, tour, tuyến du lịch mới. Trong năm 2023, tỉnh đã công bố và đưa vào khai thác các tuyến du lịch nội tỉnh như: Nghi Sơn – Đảo Mê; Yên Định – Cẩm Thủy – Vĩnh Lộc – Thọ Xuân. Cùng với đó, chú trọng làm mới sản phẩm du lịch hiện có.
Điển hình là các khu du lịch biển như Sầm Sơn, Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (Nghi Sơn)… đã kích cầu, tạo đột phá về thu hút khách bằng đa dạng các hoạt động, trải nghiệm mới. Cụ thể, các địa phương đã lựa chọn tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hấp dẫn, góp phần làm mới sản phẩm như: Festival dù lượn Hải Tiến 2023; chuỗi sự kiện Sun Fest tại Quảng trường biển (TP Sầm Sơn); khai trương tuyến du lịch Nghi Sơn – Đảo Mê (thị xã Nghi Sơn)… Qua đó tạo hiệu ứng, thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế.
Cùng với sản phẩm du lịch biển, du lịch văn hóa – lịch sử, tâm linh cũng ngày càng được chú trọng phát huy giá trị. Nhiều điểm đến thu hút lượng lớn du khách trong năm 2023 như: Di sản Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân); Khu Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân); Khu Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia Đền Nưa – Am Tiên (Triệu Sơn)… Trong số đó, Thành Nhà Hồ được xem là điểm đến có nhiều đổi mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã triển khai một số không gian phục vụ khách tham quan như: không gian văn hóa nông nghiệp vùng Tây Đô; không gian trưng bày hiện vật ngoài trời; không gian trưng bày đá xây thành làm điểm check-in tại cổng phía Nam; trưng bày mô hình súng thần công và những cải cách triều Hồ; tổ chức các chương trình giáo dục di sản cho học sinh;… Đồng thời xây dựng các tour kết nối Di sản Thành Nhà Hồ với các di tích, điểm đến khu vực phụ cận như: Di sản Thành Nhà Hồ – Đền thờ nàng Bình Khương – Nhà cổ ông Phạm Ngọc Tùng – Cổng Nam – Khu trưng bày đá xây thành; Phòng trưng bày – Đền thờ nàng Bình Khương – Chùa Linh Giang – Chùa Giáng – Đàn tế Nam Giao…
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ Nguyễn Bá Linh cho biết: “Nếu như đến Thành Nhà Hồ chỉ để tham quan, check-in với cổng thành, tường thành thì về lâu dài chắc chắn sẽ khó thu hút khách du lịch. Chính vì vậy, cùng với nâng cao chất lượng phục vụ, chúng tôi đặc biệt chú trọng phát triển các tuyến du lịch kết nối với điểm đến nội vùng, đồng thời đẩy mạnh chương trình giáo dục di sản. Trong năm 2023, trung tâm đã phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng nội dung thuyết minh tour Di sản Thành Nhà Hồ và kết nối các di tích phụ cận. Đây là cơ sở để trung tâm tiếp tục đổi mới hoạt động, xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp, các chương trình du lịch khám phá di sản, đáp ứng nhu cầu của du khách trong năm 2024 và những năm tiếp theo”.
Trong những năm gần đây, sản phẩm du lịch sinh thái, cộng đồng ngày càng chứng minh được sức hút đối với du khách, dần khẳng định là sản phẩm thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Với việc ưu tiên đầu tư hạ tầng, giao thông đã góp phần hình thành nên các khu, điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn như: Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước); bản Mạ (Thường Xuân); bản Năng Cát – thác Ma Hao (Lang Chánh); bản Bút (Quan Hóa); bản Ngọc (Cẩm Thủy); bản Ngàm (Quan Sơn)… mang đến cho du khách thêm nhiều lựa chọn khi đến với xứ Thanh.
Cùng với nhiều sở, ngành, chính quyền địa phương, doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động đẩy mạnh các hoạt động liên kết, phát triển tour, tuyến du lịch mới. Trong đó, phải kể đến các tour du lịch liên kết với các tỉnh Bắc Trung bộ; Thanh Hóa – các tỉnh khu vực Tây Bắc mở rộng; Thanh Hóa – Ninh Bình- Hà Nội; Thanh Hóa – Quảng Ninh; Thanh Hóa – các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long… Đến nay, nhiều tour, tuyến mới đã được hình thành và đưa vào khai thác hiệu quả, thu hút đông đảo khách du lịch từ các thị trường trọng điểm của cả nước đến Thanh Hóa tham quan, trải nghiệm.
Theo đánh giá của các chuyên gia du lịch, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng để phát triển đa dạng sản phẩm, tour, tuyến du lịch. Trong khi đó, việc thúc đẩy liên kết nội vùng, nội tỉnh và nội địa được ngành du lịch xác định là giải pháp quan trọng trong quá trình phục hồi. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh phát triển du lịch bốn mùa. Tuy nhiên, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần lựa chọn sản phẩm thế mạnh để đẩy mạnh hoạt động liên kết, góp phần nâng giá trị tour và hấp dẫn du khách. Đặc biệt, cần chú trọng khai thác giá trị văn hóa trong phát triển du lịch; tìm ra những giá trị văn hóa khác biệt dựa trên những sản phẩm tương đồng giữa các địa phương để các tour, tuyến du lịch mới thực sự hấp dẫn.
Bài và ảnh: Hoài Anh