Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện rà soát, xác định các sản phẩm tiềm năng, lợi thế để xây dựng kế hoạch phát triển nhân rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, nhiều sản phẩm đã xây dựng thương hiệu, được đánh giá, xếp loại sản phẩm OCOP cấp tỉnh… góp phần nâng cao giá trị, từng bước ổn định đầu ra.
Mô hình sản xuất dưa Kim Hoàng Hậu tại xã Nga Thạch (Nga Sơn).
Thanh Hóa được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng hàng hóa quy mô lớn với tổng diện tích gieo trồng khoảng 233 nghìn ha mỗi năm. Đây cũng là sản phẩm lợi thế của nhiều địa phương như Thiệu Hóa, Hà Trung, Ngọc Lặc, Nông Cống, Yên Định… Từ đó, không những hình thành được các vùng sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn mà còn xây dựng các thương hiệu lúa gạo được người tiêu dùng ưa chuộng như gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang, gạo Tiên Sơn, gạo sạch Hương Quê, nếp hạt cau Lộc Thịnh, Tâm Phú Hưng… được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao được thị trường ưa chuộng.
Tại xã Hà Lĩnh (Hà Trung), lúa nếp hạt cau Tiên Sơn được xem là sản phẩm nông nghiệp có lợi thế với nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống lúa nếp thông thường như chống chịu hạn, phèn chua, kháng sâu bệnh tốt, thích ứng được với điều kiện canh tác ở xã Hà Lĩnh. Tuy nhiên, trước dây, người dân chỉ trồng theo phương pháp truyền thống, diện tích phân tán nhỏ lẻ, dẫn đến vỏ trấu đổi màu, nguy cơ thoái hóa, mai một giống. Vì vậy, để bảo tồn và duy trì giống lúa của quê hương, xã Hà Lĩnh đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, quy hoạch vùng sản xuất lúa tập trung, quy mô lớn; tập huấn khoa học – kỹ thuật để người dân áp dụng trong quá trình sản xuất và giám sát các khâu, từ gieo trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo nếp hạt cau Tiên Sơn. Cùng với đó, quy hoạch được vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao với diện tích 208ha, năng suất đạt từ 70 – 80 tạ/ha; chuyển đổi 35ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng 3 vụ màu, trong đó 2 vụ dưa chuột, 1 vụ trồng ngô cho thu nhập bình quân trên 400 triệu đồng/ha.
Huyện Hà Trung hiện là một trong những địa phương chú trọng xây dựng thương hiệu cho lúa gạo với các sản phẩm gạo chất lượng cao được người tiêu dùng biết đến, được chứng nhận là sản phẩm OCOP, như: gạo nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh, gạo nếp cái hoa vàng Gia Miêu Ngoại Trang, gạo Tiên Sơn số 3.
Được biết, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện rà soát, xác định các sản phẩm nông nghiệp lợi thế để từ đó xây dựng kế hoạch phát triển nhân rộng diện tích, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Một số sản phẩm được nhiều huyện lựa chọn xây dựng như lúa gạo, cây ăn quả, thịt lợn, gà lông màu, rau an toàn, tôm thẻ… Ông Lê Tiến Đạt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn UBND huyện Như Xuân, cho biết: Xác định cây ăn quả là một trong những đối tượng chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao và trở thành sản phẩm nông nghiệp tiềm năng, những năm qua, huyện đã khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả với gần 1.400ha. Trong đó, ưu tiên phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, quy mô lớn với tổng diện tích khoảng 400ha; nhất là ưu tiên các loại cây trồng có liên kết sản xuất. Đồng thời, chú trọng chuyển giao, hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp khoa học – kỹ thuật như ghép cải tạo cây già cỗi, tỉa cành tạo tán, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nhỏ giọt, bọc quả để hạn chế sâu bệnh, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiến hành trồng rải vụ để kéo dài thời gian thu hoạch… Mục tiêu đến năm 2025, toàn huyện có ít nhất 80% sản phẩm cây ăn quả bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có 30% diện tích được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, nghiên cứu nâng tầm thương hiệu và quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm cây ăn quả.
Tuy nhiên, để phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, tiềm năng bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, các địa phương cần thực hiện rà soát, chọn lọc các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất và khả năng tiêu thụ của thị trường. Từ đó, xây dựng các mô hình, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học – kỹ thuật, hỗ trợ người dân ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung quy mô lớn, xây dựng thương hiệu sản phẩm… Tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, từ đó hình thành các chuỗi sản xuất bền vững.
Bài và ảnh: Lê Ngọc