Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển dịch một phần đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại rau màu theo hướng hàng hóa, chú trọng ứng dụng khoa học – kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ… Từ đó, không những tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch mà còn góp phần tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Diện tích trồng đu đủ của người dân tại xã Hoằng Đạt (Hoằng Hóa).
Nhớ lại hơn 10 năm về trước, xã Thọ Hải (Thọ Xuân) chủ yếu chỉ trồng 1 vụ lúa và ngô, hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi thu hoạch vụ mùa, nhiều diện tích đất bị bỏ hoang. Nhưng từ năm 2017, xã đã chú trọng tuyên truyền, khuyến khích nông dân tận dụng diện tích đất ruộng, vườn để chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu theo hướng hàng hóa. Mùa nào trồng rau ấy, có hộ còn trồng rau trái vụ và trồng rau trên đất bỏ hoang trước đây để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Thăm mảnh vườn hơn 500m2 của ông Trần Văn Trường ở xã Thọ Hải, dễ dàng nhận thấy ông là người rất nhạy bén khi tận dụng được hết diện tích đất của mình khi xen canh cả mướp, bầu, bí, đến các loại dưa chuột, cà chua, đậu cô ve… Với phương thức thâm canh gối vụ, cùng với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp nên cây trồng luôn sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Theo ông Trường, để sản phẩm sau khi thu hoạch chất lượng, bản thân chủ hộ cần tăng cường bón phân loại giàu chất dinh dưỡng, có độ ẩm tốt để rau nhanh phát triển, tránh bị thiệt hại dẫn đến hư hỏng. Nhờ sự tâm huyết ấy, các loại rau màu của gia đình ông lúc nào cũng có quả để bán, cho thu nhập cao hơn so với trồng lúa, ngô. Tháng 4/2024, ông đã bán trên 4 tạ dưa chuột, thu về hơn 5 triệu đồng. Hiện đang tiếp tục chăm sóc vụ dưa chuột tiếp theo, dự kiến trong tháng 6 sẽ cho thu hái. Đồng thời, tận dụng diện tích đất bỏ hoang tại vườn cạnh nhà để trồng thêm các loại cà chua, mướp, bí. Đến vụ đông và vụ xuân, ông trồng thêm bắp cải, su hào.
Để khai thác hiệu quả đất đai, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện Hoằng Hóa đã chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất rau an toàn, đưa những cây rau màu có chất lượng tốt để tích cực sản xuất và nhân giống. Đồng thời thành lập các tổ hợp tác, HTX và kết nối với các doanh nghiệp trong phát triển các loại rau màu lợi thế, theo hướng hàng hóa. Hiện toàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh rau màu với diện tích hơn 3.278ha, trong đó có 120ha đã áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tập trung ở các xã: Hoằng Thắng, Hoằng Lưu, Hoằng Giang…, có nhiều HTX rau an toàn hoạt động hiệu quả. Sản phẩm được cung ứng cho thị trường trong tỉnh phục vụ các nhà hàng, khách sạn, siêu thị và các cửa hàng thực phẩm an toàn. Việc áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất rau màu giúp sản phẩm sau thu hoạch có chất lượng và sản lượng cao hơn, năng suất đạt 160 đến 170 tạ/ha/năm, giúp bà con nông dân trong huyện nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 97 vùng sản xuất rau màu với tổng diện tích khoảng 13.500ha. Trong đó, diện tích rau an toàn áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 4.500ha. Để tiếp tục phát huy những lợi thế sẵn có, ngành nông nghiệp đã định hướng và có nhiều giải pháp phát triển rau màu theo hướng hàng hóa gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng thời phối hợp tổ chức nhiều đợt xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nông sản an toàn để tạo thêm cơ hội cho hợp tác, ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Bài và ảnh: Chi Phạm