Hiện nay, ngành nông nghiệp đang khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao.
Ứng dụng mắt thông minh (Smart Eye) trong sản xuất mía tại Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân).
Với vùng mía nguyên liệu hàng năm lên tới hơn 7.500 ha, Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao mía đường Lam Sơn (Thọ Xuân) đã thực hiện các ứng dụng số trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng quản lý vùng nguyên liệu, tiết kiệm chi phí. Công ty là đơn vị tiên phong ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quản lý vùng nguyên liệu. Theo đó, toàn bộ thông tin diện tích mía nguyên liệu được tích hợp trên máy tính và điện thoại thông minh, các kỹ sư của công ty quản lý, theo dõi hàng ngày sự phát triển của cây mía, sâu bệnh phát sinh và các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến cây mía. Qua đó, các kỹ sư đưa ra dự báo để người dân kịp thời phòng, chống bệnh dịch và chăm sóc mía. Trong khâu thu hoạch và vận chuyển mía nguyên liệu vào nhà máy, công ty cũng sử dụng công nghệ cao, điều phối xe trên bản đồ, tránh ùn tắc trên vùng nguyên liệu. Nhằm tối ưu hóa công nghệ trong sản xuất mía nguyên liệu, năm 2022 đã phối hợp với tổ chức Chính phủ AUS4INNOVATION thuộc Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia, các đơn vị liên quan tại Việt Nam tổ chức chuyển giao công nghệ mắt thông minh (Smart Eye).
Theo ông Lê Huy Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao mía đường Lam Sơn, mắt thông minh là một giải pháp dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) kết hợp cùng công nghệ máy bay không người lái và Internet vạn vật (IoT) để giúp công ty và nông dân theo dõi độ ẩm đồng ruộng, tối ưu hóa việc tưới nước, mức độ dinh dưỡng và nhiễm bệnh của mía. Qua đó, sẽ giúp cho cán bộ kỹ thuật và nông dân có quyết định xử lý kịp thời để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất mía nguyên liệu. Các quy trình từ chăm sóc, bón phân, tưới nước cho cây mía đều được máy tính ghi lại và người dân thực hiện quản lý trên điện thoại. Từ hiệu quả bước đầu công nghệ này mang lại, công ty mong muốn ứng dụng rộng rãi quản lý vùng nguyên liệu quy mô lớn với khoảng 500 hộ tham gia. Ngoài ra, công ty ứng dụng trên nhiều diện tích cây trồng khác như vùng nguyên liệu lúa hữu cơ, cây ăn quả…
Hiện nay, công nghệ IoT, công nghệ sinh học đang được các trang trại chăn nuôi công nghệ cao, quy mô lớn ở các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh áp dụng. Các công nghệ này cũng được các trang trại chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh ứng dụng mạnh mẽ, nổi bật như: Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk) có 3 trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô 12.500 bò sữa ở huyện Yên Định và Công ty CP sữa TH có 1 trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô 20.000 con ở huyện Như Thanh. Các trang trại này đang áp dụng mô hình quản lý nước và dinh dưỡng của Israel, công nghệ chăn nuôi bò sữa trong quản lý đàn bò sữa; hệ thống vắt sữa; quản lý sức khỏe bò sữa; quản lý dinh dưỡng trong hệ thống trang trại… cùng với hệ thống camera giám sát quá trình hoạt động và phát triển của bò sữa.
Những năm gần đây, ngành nông nghiệp của tỉnh đã quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp chuyển đổi số và ứng dụng AI trong sản xuất. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được khoảng 5.000 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh trên cây trồng rau các loại, mía, cây ăn quả và nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp, HTX sản xuất rau, củ, quả đã thực hiện dán tem QR-Code để người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh kết nối internet tra cứu các thông tin về sản phẩm. Cùng với đó, toàn tỉnh cũng đã xây dựng được 61 trang trại áp dụng công nghệ cao, thông minh và đồng bộ trong chăn nuôi, như: hệ thống chuồng trại khép kín, sử dụng hệ thống dàn mát, máy ép tách phân trong xử lý môi trường và sử dụng hệ thống máng ăn tự động, phần mềm quản lý dịch bệnh… Một số địa phương đã thiết lập và quản lý mã vùng trồng cho các loại cây trồng phục vụ xuất khẩu. Ngành nông nghiệp đã xây dựng bản đồ nông hóa phục vụ thâm canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và quản lý sử dụng bền vững tài nguyên đất sản xuất nông nghiệp. Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, cũng ứng dụng chuyển đổi số mạnh mẽ như sử dụng thiết bị dò cá sóng siêu âm; máy đo dòng chảy; máy thu lưới; hệ thống thu – thả lưới chụp; công nghệ GIS và hệ thống định vị toàn cầu; thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá 15m… Lĩnh vực lâm nghiệp đã và đang ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám để xây dựng các phần mềm nhằm phát hiện sớm và cảnh báo cháy rừng từ ảnh vệ tinh, phần mềm giám sát và phát hiện sớm mất rừng, suy thoái rừng…
Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp thông minh, ngành nông nghiệp của tỉnh đang tích cực phối hợp với các địa phương thực hiện các giải pháp theo Kế hoạch số 260/KH-UBND, ngày 7-11-2022 của UBND tỉnh về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thông minh; hình thành các vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao và phát triển các chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2030.
Bài và ảnh: Lê Hợi