Để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho doanh nghiệp (DN), tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan đẩy mạnh các công tác đào tạo nghề cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẵn có, phấn đấu đến năm 2045 trở thành tỉnh có chất lượng giáo dục nghề nghiệp trong nhóm dẫn đầu cả nước.
Học sinh trong lớp học thực hành tại Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa.
Theo số liệu từ Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nay tỉnh Thanh Hóa có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN), gồm 11 trường cao đẳng, 15 trường trung cấp nghề, 32 trung tâm GDNN và 8 cơ sở khác có đăng ký hoạt động GDNN. Các cơ sở GDNN đều bảo đảm điều kiện chất lượng đào tạo; có 39 nghề, nhóm nghề nông nghiệp và 76 nghề, nhóm nghề phi nông nghiệp.
Để nguồn nhân lực được phát huy hết khả năng, thế mạnh, các cơ sở GDNN đã đổi mới nội dung đào tạo theo hướng thiết thực, bám sát với thực tế để người học được rèn luyện từ lý thuyết đến kỹ năng thực hành. Đồng thời tập trung kết nối, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và DN trong đào tạo, bởi đây là cơ chế hiệu quả để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Tại Trường Trung cấp nghề kỹ nghệ Thanh Hóa, đa số học sinh sau khi tốt nghiệp đều tiếp cận ngay với công việc và được các đơn vị tuyển dụng đánh giá cao. Một phần nhờ kiến thức được dạy bài bản, phát huy được năng lực cho người học; quan trọng hơn là nhà trường đã cơ cấu hóa chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận thị trường, tiếp cận DN như việc tổ chức mời DN về sản xuất một phần sản phẩm tại nhà trường để học sinh có cơ hội trải nghiệm thực tế cũng như tham gia trực tiếp vào quá trình lao động, từ đó giúp nâng cao kiến thức lẫn tạo kỹ năng mềm cho học sinh.
Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề kỹ nghệ Thanh Hóa Võ Hồng Sơn cho biết: Hiện nhà trường có quy mô đào tạo hơn 5.000 học viên với đa dạng các nghề như may, sửa chữa thiết bị may, công nghệ thông tin, ô tô, mộc, trang trí nội thất…
Nhà trường được cấp phép đào tạo 14 ngành nghề trình độ cao đẳng, 16 ngành nghề trình độ trung cấp và 25 nghề trình độ sơ cấp, trong đó nghề sửa chữa điện lạnh thu hút đông học sinh tham gia nhất. Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp có việc làm hằng năm đạt từ 80 – 85%, trong đó số có việc làm đúng hoặc gần ngành nghề đào tạo đạt trên 70%… Năm học 2023-2024, trường tuyển sinh hệ chính quy đạt trên 500 học sinh, sinh viên. Để có được con số ấy, bên cạnh việc đẩy mạnh chất lượng giáo dục, nhà trường cũng có chủ trương hợp tác với DN để học sinh có cơ hội học tập từ chuyên môn đến tác phong, ý thức, an toàn lao động. Đồng thời, DN cũng tham gia với nhà trường ở tất cả các khâu trong quá trình đào tạo, đặc biệt tham gia vào quá trình rèn nghề, thực hành, thực tập và đầu ra cho học sinh, sinh viên.
Nhờ những nỗ lực đó mà trong năm 2023, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 83.080 người, đạt 100% kế hoạch năm và tăng 18,5% so với năm 2022; góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 29%. Hiện các cơ sở GDNN ngày càng được tăng cường để đáp ứng yêu cầu đào tạo.
Có thể nói, việc các cơ sở GDNN gắn kết với DN đã tạo nên “lợi ích kép”. Học sinh, sinh viên không những được đào tạo lý thuyết bài bản tại nhà trường mà còn được hướng dẫn thực hành kỹ năng tại các DN. Nhờ đó, các DN cũng có nguồn nhân lực được đào tạo kỹ lưỡng ngay từ đầu mà không bị áp lực bởi tình trạng thiếu hụt lao động. Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tỷ lệ người học xong có việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%, tại một số cơ sở GDNN tỷ lệ này đạt gần 100%. Trên 90% tỷ lệ lao động trình độ cao đẳng có việc làm sau đào tạo, trình độ trung cấp đạt 85% và trình độ sơ cấp đạt trên 75%.
Bài và ảnh: Chi Phạm