Một trong những nghề thủ công truyền thống xuất hiện tại các làng quê, sản xuất các sản phẩm phục vụ cho đời sống hằng ngày của người dân như rổ, thúng, mẹt… Bằng sự sáng tạo và đôi bàn tay khéo léo của người dân, các sản phẩm càng ngày càng cải thiện về chất lượng, đa dạng về kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc… có tính ứng dụng cao, phục vụ cho nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau như giỏ đựng đồ, túi xách, khay đựng ấm chén, giá treo, chụp đèn, giỏ hoa…
Các sản phẩm mây tre đan của HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, xã Tân Thọ (Nông Cống).
HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, xã Tân Thọ (Nông Cống) là một trong những HTX sản xuất, kinh doanh hàng mỹ nghệ, đồ dùng, đồ trang trí từ mây, tre, cói. Hiện nay, HTX đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở xã Tân Thọ và các xã khác trong và ngoài huyện. Chị Trịnh Thị Thủy, thôn Phú Quý – một trong những lao động có nhiều năm kinh nghiệm làm nghề, cho biết: Nghề thủ công đan mây tre không có khuôn mẫu nên đòi hỏi người thợ phải khéo léo, tỉ mỉ, sáng tạo, không những thế còn phải đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, để sản phẩm hoàn thiện đúng quy cách, mẫu mã của đơn hàng. Đối với nghề mây tre đan, việc lựa chọn nguyên liệu là bước quan trọng nhất trong quy trình sản xuất, lựa chọn loại tre phải không non, không già, mọc thẳng và có độ cứng cao; mây cũng cần có độ lớn vừa đủ, thẳng và đều; sau đó tiến hành sơ chế để loại bỏ các tạp chất và làm sạch, tránh mối mọt, ẩm mốc. Tre được cạo vỏ sau đó làm khô để giúp làm mềm tre và tạo ra một màu sắc đẹp và ổn định; mây cũng được làm sạch và tạo ra một bề mặt bóng mịn, phơi sấy để khô mây và giúp lấy màu tự nhiên. Chẻ sợi là công đoạn quan trọng và tốn nhiều thời gian nhất bởi các sợi không được dày cũng không được mỏng quá, tạo ra độ dẻo dai cho nguyên liệu để có thể tạo ra những sản phẩm khác nhau; sau đó người thợ sẽ sử dụng các công cụ đơn giản như kéo đan, dao cắt, móc đan để thực hiện quá trình đan mây tre… Hiện nay, bên cạnh làm mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thống, HTX đã chú trọng đào tạo nghề, khuyến khích người dân sáng tạo, nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã để đáp ứng yêu cầu của thị trường; nhất là sử dụng nguyên liệu và cách tạo màu tự nhiên giúp cho sản phẩm luôn thân thiện với môi trường.
Không chỉ tiêu thụ trong nước, các sản phẩm của HTX đã được xuất khẩu cho thị trường các nước Châu Á, Châu Âu, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho người lao động.
Hiện nay, tại các huyện Nông Cống, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương… nghề mây tre đan đang được chú trọng phát triển, các sản phẩm đan mây tre không chỉ đẹp mắt, có giá trị thẩm mỹ cao, mà còn tính ứng dụng để sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau trong sinh hoạt, trang trí, làm quà tặng… Vì vậy, đã có không ít doanh nghiệp, HTX thực hiện bao tiêu sản phẩm, đào tạo nghề cho người lao động, như Công ty Ngọc Sơn Hà Nội, Công ty TNHH Quốc Đại, Công ty TNHH Sản xuất thương mại và xuất khẩu Cói Xanh, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ… Từ đó, đã góp phần mang cơ hội cho các sản phẩm mây tre đan có mặt tại thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha… Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất đã chủ động đưa sản phẩm tiếp cận người tiêu dùng thông qua việc tích cực tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ; quảng bá và bán hàng trực tuyến trên trang website của đơn vị và các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn của tỉnh, huyện về áp dụng chuyển đổi số để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm… Tuy nhiên, thực tế hiện nay, để giữ nghề và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn, bởi thế hệ trẻ không còn mặn mà học nghề.
Vì vậy, để duy trì, phát triển nghề mây tre đan truyền thống, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, doanh nghiệp, hộ sản xuất cần tích cực, chủ động trong đổi mới thiết bị công nghệ, kết hợp yếu tố truyền thống với hiện đại, từng bước nâng cao chất lượng, mẫu mã, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm; nhất là chủ động tham gia giới thiệu, quảng cáo sản phẩm tại các hội chợ, sàn thương mại điện tử… để tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa. Ngoài ra, cần coi trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề và ý thức cho người lao động; xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu làng nghề gắn với việc duy trì, mở rộng thị trường.
Bài và ảnh: Lê Ngọc