Những năm qua, xã Ái Thượng (Bá Thước) đã khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, triển khai đồng bộ, đa dạng và thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế, tạo sản phẩm hàng hóa nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới.
Gia đình ông Nguyễn Văn Quang, ở thôn Thung Tâm, xã Ái Thượng chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang chăn nuôi kết hợp trồng các loại cây ăn quả, cây lâm nghiệp cho giá trị kinh tế cao.
Trước đây, trên diện tích hơn 4ha đất vườn, gia đình ông Nguyễn Văn Quang, ở thôn Thung Tâm chỉ trồng cây nông nghiệp nhưng năng suất, sản lượng đạt thấp. Nhờ có chủ trương của xã chuyển đổi diện tích đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả và cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế, ông Quang đã mạnh dạn cải tạo lại diện tích đất vườn để trồng các loại cây ăn quả, như: bưởi, thanh long, nhãn, ổi và trồng rừng kết hợp với chăn nuôi gà, lợn…; trừ chi phí mỗi năm gia đình ông thu nhập gần 280 triệu đồng.
Là một trong những hộ cải tạo đất đồi hoang hóa, cây tạp sang phát triển kinh tế từ mô hình sản xuất kết hợp giữa nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, những năm qua gia đình ông Vi Văn Yến, ở thôn Tôm đã tập trung đầu tư, chăm sóc 4ha đất trồng luồng, 5 sào đất trồng mía và 5 sào trồng lúa, mỗi năm mang lại thu nhập 190 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình ông còn đứng ra thu mua các loại cọc tre, luồng cho các hộ dân trong xã để bán cho các đại lý.
Bà Võ Thị Lý, Bí thư Đảng ủy xã Ái Thượng, cho biết: Thực hiện chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020-2025 về thực hiện các chương trình trọng tâm “Phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới”, thời gian qua, Đảng ủy xã Ái Thượng đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, từ đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với điều kiện thực tế của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo UBND xã, các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất, tạo sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường, đồng thời tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích tăng cao. Năm 2020, toàn xã có 623 ha trồng trọt, sản lượng lương thực cây có hạt đạt hơn 1.730 tấn, đến hết năm 2023 tăng lên 641,2ha với tổng sản lượng lương thực đạt 1.945,7tấn; giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất trồng trọt ước đạt 102 triệu đồng.
Cùng với đó, xã Ái Thượng triển khai thực hiện các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích người dân đầu tư xây dựng trang trại, gia trại chăn nuôi gắn với các giải pháp bảo đảm vệ sinh môi trường. Đến nay, toàn xã đã hình thành và nhân rộng được nhiều mô hình trang trại, gia trại với các loại con nuôi, như: trâu, bò, dê, lợn, gia cầm các loại… Hiện tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã hơn 50 nghìn con; sản lượng thịt hơi đạt 786 tấn/năm; diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 56,94ha, với tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản ước đạt 183 tấn. Thu nhập của các trang trại, gia trại đạt từ 200 – 400 triệu đồng/mô hình/năm.
Bên cạnh đó, xã Ái Thượng còn tập trung phát triển các lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng điện, đường; tạo điều kiện cho người dân được vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển đa dạng các ngành nghề như chế biến nông sản, cơ khí, mộc dân dụng… Từ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy và triển khai các giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong phát triển kinh tế, đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 của xã Ái Thượng đạt gần 50 triệu đồng; phấn đấu năm 2024 thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,3%.
Với quyết tâm hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc xã Ái Thượng đang tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, huy động tối đa các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và xây dựng NTM.
Bài và ảnh: Tiến Đạt