Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là đòn bẩy để xây dựng thành công NTM, do đó xã Nga Bạch (Nga Sơn) đã tập trung thực hiện các giải pháp, góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành nghề nông thôn, nhân rộng các mô hình sản xuất, áp dụng khoa học – kỹ thuật… mang lại nhiều đổi thay tích cực cho đời sống Nhân dân.
Mô hình trồng dưa Kim Hoàng Hậu trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao tại xã Nga Bạch (Nga Sơn).
Trên cơ sở xác định những lợi thế, tiềm năng của địa phương, xã Nga Bạch đã khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bên cạnh các loại cây chủ lực đưa các loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, như: khoai tây, lạc, dưa các loại, rau, củ, quả… Bên cạnh đó, khuyến khích, vận động người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng khoa học – kỹ thuật; nhất là các mô hình sản xuất trong nhà màng, nhà lưới với diện tích hơn 17.000m2. Ông Hoàng Anh Tuấn, một trong những hộ dân mạnh dạn tiên phong đầu tư xây dựng nhà màng trồng dưa Kim Hoàng Hậu, cho biết: “Được sự khuyến khích, hỗ trợ của xã, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà màng giúp che mưa và ngăn côn trùng xâm nhập; lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel. Việc tưới chủ động giúp chất dinh dưỡng từ phân bón và lượng nước cung cấp cho cây đến tận gốc, đáp ứng tốt từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm luôn ổn định. Hiện nay, hầu hết diện tích dưa đã được thương lái đặt mua, có đầu ra ổn định”.
Bên cạnh trồng trọt, nghề khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản luôn được xã quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để Nhân dân đầu tư đưa ngành nghề này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Toàn xã hiện có 29 tàu thuyền khai thác hải sản, tạo việc làm cho hơn 400 lao động. Để nâng cao hiệu quả kinh tế từ nghề khai thác hải sản, xã vận động Nhân dân cải hoán, đóng mới tàu thuyền và phối hợp với một số cơ quan, đơn vị mở các lớp đào tạo thuyền trưởng, thuyền viên cho hàng trăm lượt ngư dân. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hỗ trợ các hộ dân và tổ chức phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá, từng bước đáp ứng nhu cầu cung cấp vật tư, nguyên liệu cho các phương tiện khai thác và các cơ sở chế biến thủy, hải sản. Hiện nay, toàn xã có 17 ha nuôi trồng thủy sản và hàng chục đầu mối thu gom, xuất bán hải sản và cơ sở chế biến thủy, hải sản.
Trong chăn nuôi, xã khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại; gia trại; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tổ chức tiêm phòng theo đúng kế hoạch đề ra. Nhờ đó, đàn gia súc, gia cầm của xã luôn ổn định với 22 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và các gia trại. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Bên cạnh việc duy trì 558 máy xe lõi, các hộ gia đình đã chủ động tìm kiếm việc làm như thợ xây, thợ mộc, thợ cơ khí…
Khi kinh tế đa ngành phát triển, đã góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 52 triệu đồng/năm. Đây là đòn bẩy để chính quyền và Nhân dân huy động nguồn lực thực hiện các tiêu chí XDNTM. Những tháng đầu năm 2023, toàn xã đã huy động được hơn 37 tỷ đồng cho XDNTM. Từ đó, triển khai xây dựng các công trình trên địa bàn, như: đầu tư xây dựng nâng cấp mở rộng 414m đường giao thông trục xã, 828m rãnh thoát nước có nắp đậy, xây dựng mới hệ thống điện chiếu sáng… Công tác y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân được quan tâm, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 92,83%; cơ sở vật chất văn hóa cũng được địa phương quan tâm xây dựng. Từ khi bắt tay XDNTM, công tác môi trường ở địa phương đã được quan tâm, người dân thường xuyên tham gia quét dọn vệ sinh, rác thải được tập kết cho các xe đưa đi tiêu hủy.
Ông Mai Văn Sâm, Chủ tịch UBND xã Nga Bạch, cho biết: Phát huy kết quả đạt được, xã sẽ tiếp tục bám sát vào nhiệm vụ đã đề ra để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thu hút các nguồn lực, đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, XDNTM nâng cao. Tiếp tục khuyến khích người dân đưa giống cây trồng có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện thâm canh ở địa phương vào sản xuất như: khoai tây, dưa vàng, dưa hấu…, thực hiện tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm… Bên cạnh đó, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM nâng cao đã đạt, nhất là tập trung thực hiện các tiêu chí khó, như: vệ sinh môi trường, bảo hiểm y tế, phát triển kinh tế…
Bài và ảnh: Lê Ngọc