Được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, có những tiểu vùng khí hậu, địa hình khác nhau, phù hợp với đặc điểm sinh trưởng của nhiều loại cây trồng, vật nuôi, tỉnh Thanh Hóa có nhiều dư địa để phát triển nền nông nghiệp toàn diện, giá trị gia tăng cao. Hằng năm, tổng sản lượng nông sản thực phẩm tương đối lớn, do đó, phát triển hệ thống kinh doanh, phân phối sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh là một trong những giải pháp nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.
Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh tham gia Phiên chợ giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn tại huyện Hậu Lộc.
Đa dạng hóa nông sản
Với sự đa dạng về khí hậu, địa hình và văn hóa sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng các dân tộc, tỉnh Thanh Hóa có khoảng 200 sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Với nhiều sản phẩm đã xây dựng được “tiếng vang” trên thị trường như: Cam Vân Du (Thạch Thành); bưởi Yên Ninh, cải Lê (Yên Định), cam, bưởi Xuân Thành (Thọ Xuân), mắm tôm Hậu Lộc… Bên cạnh đó, các loại nông sản thiết yếu khác như rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống đều có tiềm năng để cung ứng cho thị trường với khối lượng lớn, chất lượng cao.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 9 tháng năm 2024 toàn tỉnh đã canh tác hơn 80 nghìn ha cây trồng theo hướng liên kết sản xuất, tổng sản lượng lương thực ổn định ở mức hơn 1,56 triệu tấn, rau đậu các loại khoảng 700 nghìn tấn, hơn 251 nghìn tấn trái cây, 221 triệu trứng gia cầm, 233 nghìn tấn thịt hơi, 164 nghìn tấn thủy sản… Ở các huyện, thị xã, thành phố, người dân cũng chú trọng phát triển những mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học góp phần đa dạng, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Thông qua sản xuất, các doanh nghiệp, HTX và người dân trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được khoảng 1.165 chuỗi thực phẩm an toàn, 128 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông lâm, thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Trong đó, có 91 doanh nghiệp được chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, 37 doanh nghiệp được chứng nhận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng được cung cấp thông qua các chuỗi đạt hơn 55%. Việc phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đã giúp hình thành nhiều mối liên kết giữa sản xuất, cung ứng và tiêu thụ, nguồn thực phẩm cũng được giám sát chặt chẽ hơn. Không chỉ củng cố niềm tin từ người tiêu dùng, đây còn là yếu tố quan trọng nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm; tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, trách nhiệm của người dân trong sản xuất, tiêu dùng sản phẩm an toàn.
Tuy sản lượng nông sản của tỉnh lớn nhưng trong khâu phân phối, tiêu thụ vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế nên giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp chưa đạt như kỳ vọng. Trong đó, có khoảng 85% sản lượng sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được sử dụng, phân phối ở thị trường trong tỉnh thông qua hệ thống các kênh thương mại truyền thống và khoảng 15% cung ứng cho thị trường các tỉnh, thành phố trong nước, xuất khẩu. Do đó, để nâng cao hiệu quả của việc phân phối, tiêu thụ, góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, tỉnh Thanh Hóa ban hành nhiều cơ chế, chính sách góp phần nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp theo định hướng thị trường, tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại đã góp phần quan trọng trong tiêu thụ và phát huy được giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Đẩy mạnh kết nối cung cầu
Cùng với phát triển hệ thống chợ, siêu thị kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, các cấp, ngành, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và xây dựng các chuỗi cửa hàng trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm trong và ngoài tỉnh. Tính đến tháng 10/2024 toàn tỉnh đã có 389 chợ truyền thống, 2 trung tâm thương mại, hơn 60.000 cửa hàng kinh doanh thương mại đang hoạt động; trong đó có 537 cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn tại các khu vực đông dân cư. Đây chính là hệ thống thương mại truyền thống, chủ lực để tiêu thụ các sản phẩm nông sản thực phẩm.
Các sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn của tỉnh được tiêu thụ ở hệ thống Siêu thị WinMart.
Cùng với sự phát triển mạnh của nền kinh tế thị trường, nhất là nền “kinh tế số”, các sở, ngành, địa phương của tỉnh đã tuyên truyền, vận động để các thành phần kinh tế, người dân tích cực tiêu thụ sản phẩm qua nền tảng số. Qua đó, đã có khoảng 600 doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm, sản phẩm OCOP tham gia quảng bá giới thiệu và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: voso.vn, posmart.vn, lazada, shopee, tiki… với khoảng 1.050 sản phẩm các loại. Thông qua đó, đã góp phần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn và giúp các doanh nghiệp, HTX trong tỉnh tăng doanh số bán hàng bình quân từ 15 đến 20%/năm. Một số sản phẩm thông qua các hoạt động thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như mắm tôm, mắm tép Lê Gia xuất khẩu vào thị trường Nga, Hàn Quốc, Đài Loan và Nam Phi; dứa, ngô ngọt, dưa bao tử đóng hộp Trường Tùng và dứa khoanh, dưa bao tử đóng hộp của Công ty TNHH Tư Thành xuất khẩu đi EU, Nga, Hàn Quốc, Australia; các sản phẩm vải thiều của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm – Sông Âm xuất khẩu sang thị trường Anh, Nhật Bản…
Các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại được ngành nông nghiệp và các sở, ban, ngành của tỉnh tổ chức thường niên cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm an toàn. Tính riêng 9 tháng năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức thành công 4 phiên chợ giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn các huyện Triệu Sơn, Hậu Lộc. Đồng thời, tổ chức hỗ trợ cho 80 doanh nghiệp, HTX, cơ sở tham gia các hội chợ, tuần lễ nông sản, các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn. Sở Công Thương, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh, Liên minh HTX Thanh Hóa, Hội LHPN tỉnh… đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các chủ thể, doanh nghiệp, thành viên, hội viên tham gia quảng bá tiêu thụ sản phẩm. Thông qua những đợt xúc tiến, các nông sản đặc trưng, đặc sản có lợi thế của các vùng miền, địa phương trong tỉnh được giới thiệu, quảng bá và tìm được đầu ra ổn định, góp phần phát triển ngành nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị, tạo chuyển biến tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Việc phát triển hệ thống thương mại, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nông sản đã và đang phát huy được tiềm năng, lợi thế và khẳng định vai trò chủ lực của ngành nông nghiệp trong sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Để hệ thống kinh doanh, phân phối nông sản thực phẩm đạt được hiệu quả như kỳ vọng, đòi hỏi phải quy hoạch được hệ thống hạ tầng nông thôn gắn với hệ thống hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích cá nhân, tổ chức thành lập mạng lưới phân phối và bán lẻ sản phẩm nông nghiệp thay thế dần thói quen phân phối hàng qua trung gian… Đồng thời, phát triển hình thức bán lẻ hiện đại, khuyến khích đầu tư, xây dựng các bách hóa, cửa hàng tự chọn và phát triển mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm thông qua thương mại điện tử.
Bài và ảnh: Lê Hòa
Bài 3: Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử sản phẩm nông sản thực phẩm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nang-tam-gia-tri-nong-san-xu-thanh-bai-2-phat-trien-he-thong-kinh-doanh-phan-phoi-nong-san-thuc-pham-228118.htm