Với sự quan tâm, đầu tư ngày càng thỏa đáng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch đã và đang mở ra cho xứ Thanh những cơ hội mới, hướng phát triển thuận lợi đối với sản phẩm du lịch văn hóa. Song để du lịch văn hóa trở thành “đặc sản” trong hệ thống sản phẩm du lịch xứ Thanh lại là “bài toán” khó.
Trong khuôn khổ lễ hội đền thờ Lê Hoàn năm 2023, nhiều hoạt động trình diễn văn hóa đã thu hút sự quan tâm của đông đảo Nhân dân và du khách.
Nhiều tiềm năng
Không chỉ có lợi thế về vị trí địa lý nằm trong không gian du lịch của trung tâm du lịch miền Bắc, mà so với một số tỉnh lân cận, Thanh Hóa còn có một hệ thống di tích đa dạng, giàu giá trị. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.535 di tích lịch sử – văn hóa. Trong đó có những di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Di tích quốc gia đặc biệt đền Bà Triệu (Hậu Lộc), hang Con Moong (Thạch Thành), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn (TP Sầm Sơn)… đã từng bước được đầu tư bài bản, đưa vào khai thác trong các tour du lịch.
Cùng với đó, xứ Thanh cũng là mảnh đất với nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc. Trong đó nhiều lễ hội có ý nghĩa lớn về mặt lịch sử, văn hóa, có tác dụng tích cực trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, đáp ứng một phần đời sống tinh thần của người dân và phát triển du lịch văn hóa. Lễ hội ở Thanh Hóa rất phong phú, đa dạng, hình thành và phát triển theo 3 loại hình nổi trội: lễ hội tín ngưỡng (lễ hội Phố Cát, lễ hội đền Sòng…), lễ hội lịch sử – văn hóa (lễ hội đền Bà Triệu, lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền thờ Lê Hoàn…) và các lễ hội dân gian gắn với truyền thuyết (lễ hội Từ Thức, lễ hội Mai An Tiêm…).
Cũng trong những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang đẩy mạnh khai thác nguồn tài nguyên văn hóa phi vật thể, các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống như hò sông Mã, hát xẩm, xoan, múa đèn, trò diễn Xuân Phả, múa sạp, múa xòe… phục vụ phát triển du lịch.
Với tiềm năng lớn, song làm sao để tiềm năng ấy trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, buộc khách phải “móc ví” để trải nghiệm, thì có lẽ chưa điểm đến nào làm được.
Không ít thách thức
Thời gian qua các địa phương trên địa bàn tỉnh đều dành nguồn lực cho công tác đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các di tích, danh thắng; đầu tư hạ tầng, dịch vụ, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm di tích nhằm phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch. Cùng với đó, chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, thông qua việc gắn kết với các khu, điểm du lịch; quan tâm thúc đẩy sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống, các sản vật đặc trưng của từng địa phương để phục vụ khách du lịch.
Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm du lịch văn hóa xứ Thanh tương xứng với tiềm năng, lợi thế đến nay vẫn là “bài toán” khó. Trước hết là thiếu tính liên kết trong phát triển sản phẩm, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc, hút khách. Do đó, các sản phẩm du lịch văn hóa hiện có chưa thu hút được sự quan tâm của các đơn vị lữ hành lớn trong nước.
Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa Vũ Văn Bình cho biết: Việc khai thác sản phẩm du lịch văn hóa của tỉnh hiện nay chỉ tập trung tại một số trọng điểm như: Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc), Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân), Khu Di tích lịch sử thắng cảnh Cửa Đạt (Thường Xuân), Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn)… Trong khi đó, các hoạt động chủ yếu là tham quan, dâng hương, chưa thu hút khách lưu trú và các dịch vụ bổ trợ nhằm tăng chi tiêu của khách du lịch đối với dòng sản phẩm này. Bởi vậy, sản phẩm du lịch văn hóa đến nay chưa thực sự thu hút sự quan tâm của các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh.
Tại hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến giữa tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành phố năm 2023 (tháng 6-2023), Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Hà Nội Nguyễn Mai Anh khẳng định: “Nếu biết cách khai thác, nguồn thu từ sản phẩm du lịch văn hóa là rất lớn. Đặc biệt, du lịch văn hóa không bị ảnh hưởng bởi tính mùa vụ. Trong khi đó, tiềm năng du lịch văn hóa của Thanh Hóa không hề nhỏ so với các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Song, để sản phẩm này thực sự hấp dẫn khách du lịch còn rất nhiều khó khăn”…
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Thanh Hóa có nhiều điều kiện để vươn lên trở thành “điểm sáng” du lịch văn hóa. Song, cần phải nhấn mạnh rằng, du lịch văn hóa không chỉ dừng lại ở tham quan điểm đến, mà còn cần có thêm những trải nghiệm, hướng tiếp cận các giá trị văn hóa điểm đến bằng nhiều hình thức khác nhau. Việc nắm bắt các yếu tố như phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, di tích lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật… sẽ giúp sản phẩm du lịch văn hóa ở mỗi điểm đến tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách.
Bài và ảnh: Hoài Anh