Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Xuân Liên (Thường Xuân) được ví như “kho báu” nơi miền Tây xứ Thanh. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn cùng hệ động, thực vật phong phú và những hang động, thác nước đẹp say lòng người…
Du khách tham quan Khu BTTN Xuân Liên (Thường Xuân). Ảnh: tư liệu
Đến Khu BTTN Xuân Liên du khách sẽ được thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ của những cánh rừng nguyên sinh xanh mát. Tại đây đã xác định được 1.142 loài thực vật bậc cao, trong đó nhiều loài trong sách đỏ Việt Nam và trên thế giới. Ngoài ra, còn có nhiều loại cây có tuổi đời hàng nghìn năm được công nhận là cây di sản như pơ mu, sa mu dầu, bách xanh… Cùng với đó, hệ động vật ở đây cũng không kém phần đa dạng, phong phú. Hiện đã thống kê được ít nhất 1.631 loài động vật và nhiều quần thể thú lớn quý hiếm rất có giá trị cho khoa học và cũng là nhóm loài hấp dẫn khách tham quan như vượn đen má trắng, voọc xám…
Nếu du khách là người thích chinh phục độ cao hay muốn tìm đến những khu vực hoang sơ ít người thì khi đến khu bảo tồn có thể thử sức mình để leo lên hệ thống các đỉnh núi cao ở đây như Pù Ta Leo ở hữu ngạn sông Chu cao 1.400m, Pù Gió cao 1.620m, Pù Hòn cao 1.208m… Đường lên đỉnh núi mang lại cho bạn những trải nghiệm cực kỳ thú vị bởi cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp hiếm nơi nào có được. Đặc biệt, khi lên đến đỉnh núi, du khách sẽ được tận hưởng một không gian thoáng đãng, khí hậu mát mẻ. Nếu phóng tầm mắt ra xa còn có thể ngắm nhìn toàn bộ hồ Cửa Đạt.
Một trong những sản phẩm du lịch mà du khách không thể bỏ qua khi đến khu bảo tồn đó là hoạt động du thuyền ngắm cảnh lòng hồ Cửa Đạt và ngược dòng sông Chu. Ngồi trên thuyền du khách có thể thả mình trong phong cảnh hữu tình của lòng hồ bao quanh bởi núi rừng nguyên sinh. Sau đó, thuyền sẽ đưa du khách khám phá hệ thống thác nước tuyệt đẹp tại đây. Đó là thác Thiên Thủy đẹp lung linh như một sợi dây bạc giữa đại ngàn xanh thẳm; thác Hón Yên gồm nhiều tầng thác, tầng trên đổ vào tầng dưới trước khi đổ vào hồ Cửa Đạt. Xung quanh thác Yên còn có quần thể thực vật nguyên sinh. Ngoài hai thác chính trên, trong khu bảo tồn còn có các hệ thống thác nước khác như thác Cánh Mạ, thác Mưa Phùn, thác Tiên. Các thác này là các điểm đến bổ trợ cho các thác chính hoặc dành cho các hoạt động du lịch với nhóm nhỏ ưa khám phá ở các khu vực tĩnh mịch, nơi có những nét hoang sơ tự nhiên.
Sau khi kết thúc các hoạt động khám phá tại khu bảo tồn, du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái, Mường sinh sống tại đây như cơm lam, canh uôi, lợn rừng, măng đắng… Được hòa mình vào đời sống, tham gia sinh hoạt, biểu diễn văn nghệ, tục lệ của bà con.
Phát huy những tiềm năng lợi thế sẵn có đó, những năm qua Khu BTTN Xuân Liên đã chú trọng phát triển đa dạng các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái dựa vào thiên nhiên. Đây là hoạt động du lịch dựa trên các giá trị tự nhiên và cảnh quan của khu bảo tồn để hình thành nên các sản phẩm du lịch tại các điểm như thác Thiên Thủy, thác Hón Yên, thăm các khu rừng nguyên sinh thuộc xã Bát Mọt, đi thuyền ngắm cảnh trên hồ Cửa Đạt. Du lịch sinh thái kết hợp diễn giải các giá trị văn hóa bản địa gắn với giáo dục môi trường. Loại hình du lịch này tập trung chủ yếu là khách quốc tế đến nghiên cứu khoa học và tham gia vào các hoạt động văn hóa tại các bản Vịn, bản Đục (xã Bát Mọt). Ngoài ra, còn có hoạt động chèo thuyền kayak, du lịch ẩm thực…
Hiện tại, để phục vụ nhu cầu của du khách, khu bảo tồn cũng đã thiết kế và vận hành thử nghiệm một số tuyến du lịch như: Du thuyền hồ Cửa Đạt từ Trung tâm du khách – Nhà Bảo tàng thiên nhiên – hồ Cửa Đạt – thác Yên – Trung tâm cứu hộ động vật bán hoang dã – Trạm Kiểm lâm Sông Khao (1 ngày); về nguồn sông Chu từ Trung tâm du khách – Nhà Bảo tàng thiên nhiên – Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt – hồ Cửa Đạt- thác Yên – Trạm Kiểm lâm Sông Khao – bản Mạ (2 ngày 1 đêm); thăm thắng cảnh thác Thiên Thủy từ Trung tâm du khách – Nhà Bảo tàng thiên nhiên – Trạm Kiểm lâm Hón Can – thác Thiên Thủy (1 ngày)… Cùng với đó, cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch cũng được quan tâm đầu tư xây dựng phục vụ nhu cầu của du khách. Với cách làm này, lượng du khách đến khu bảo tồn ngày một đông, theo thống kê của Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên bình quân mỗi năm đón khoảng hơn 2.500 lượt khách du lịch.
Hoạt động du lịch tại khu bảo tồn đã góp phần thu hút lao động và tạo việc làm cho Nhân dân quanh vùng, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Du lịch phát triển cũng tạo thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình và nâng cao đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động du lịch ở đây vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Du khách tới đây chủ yếu là đi trong ngày, du lịch cuối tuần, tham gia các hoạt động tham quan, ngắm cảnh, nghiên cứu khoa học nên thị trường du lịch chủ yếu là khách ở một số huyện lân cận, TP Thanh Hóa, Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.
Để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch thu hút được du khách, nhất là khách nước ngoài, Ban Quản lý Khu BTTN Xuân Liên đang tiếp tục nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp như: Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh trong phát triển du lịch; đào tạo được đội ngũ nguồn nhân lực có hiệu quả. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch để kết nối các điểm và đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng. Phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên gắn với bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, giữ gìn cảnh quan, môi trường tự nhiên cũng như tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc…
Để đẩy mạnh phát triển du lịch tại đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 2457/QĐ-UBND ngày 20/6/2019 về việc phê duyệt Đề cương nhiệm vụ lập “Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Việc thực hiện đề án sẽ mở ra cơ hội lớn để đánh thức tiềm năng du lịch gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên rừng tại đây.
Nguyễn Đạt