Những năm qua, các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nông thôn trên cơ sở khai thác triệt để thế mạnh, sự đặc sắc riêng của các vùng, miền (văn hóa bản địa, làng nghề, sản phẩm OCOP). Từ đó, tạo sức hấp dẫn thu hút du khách trong nước, quốc tế và góp phần mang lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương.
Du khách tham gia trò chơi dân gian tại làng du lịch Yên Trung (Yên Định).
Du lịch nông thôn là loại hình du lịch có thể mang đến cho du khách những trải nghiệm văn hóa và tự nhiên mang tính “thực tế” và “chân thật”. Khi lựa chọn loại hình du lịch này, du khách sẽ có các trải nghiệm thú vị, chẳng hạn như thử làm nông dân, tự tay bắt cá, cấy lúa, hái quýt, làm đồ thủ công mỹ nghệ, tham quan các làng nghề truyền thống, mua sắm đồ lưu niệm, đồ đặc sản vùng miền… Thực tế cho thấy, trong những năm qua dựa vào tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, cảnh quan, cùng với giá trị văn hóa của người dân đang còn được lưu giữ, nhiều địa phương trong tỉnh như Bá Thước, Lang Chánh, Thường Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa đã bước đầu đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Thường Xuân Lê Hữu Giáp, cho biết: Thường Xuân là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng. Nơi đây sở hữu hệ thống các hang động, thác nước đẹp; nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng như đền thờ Cầm Bá Thước và bà Chúa Thượng Ngàn, di tích lịch sử – văn hóa địa điểm Hội thề Lũng Nhai; nhiều làng bản người Thái còn giữ được nét nguyên sơ và bản sắc văn hóa như bản Mạ, bản Vịn… Thời gian qua, huyện đã tập trung khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế từ nguồn tài nguyên du lịch phong phú sẵn có, đặc biệt là cảnh quan ruộng bậc thang, các sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, nguồn nước suối và hệ sinh thái tự nhiên để phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với lợi ích cộng đồng dân cư. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực đề đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, như du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng. Hiện nay, nhiều hộ dân tại bản Vịn, bản Mạ đã phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng homestay, để thu hút và phục vụ du khách đến tham quan, đem lại thu nhập cao cho các hộ sinh sống tại bản. Đồng thời, huyện cũng chú trọng, khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao tạo ra các sản phẩm đặc trưng gắn với Chương trình OCOP phục vụ nhu cầu mua sắm của khách du lịch…
Tại các địa phương trong tỉnh, nhiều nông trại du lịch theo hướng nông nghiệp cũng đã hình thành như, Nông trại Golden Cow (Thường Xuân); Nông trại sinh thái Linh Kỳ Mộc (TP Thanh Hóa); Nông trại Ánh Dương, làng du lịch Yên Trung (Yên Định)… Cùng với đó còn có sản phẩm du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch cộng đồng ở bản Hiêu, bản Đôn, bản Kho Mường (Bá Thước); bản Năng Cát (Lang Chánh).
Tại làng Du lịch Yên Trung, từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã đẩy mạnh khai thác các giá trị văn hóa của người dân sinh sống quanh khu vực để phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, nhất là du lịch nông thôn. Đến đây, du khách sẽ được tận hưởng vẻ đẹp của một vùng quê yên bình, tĩnh lặng với không gian thoáng đãng, và ngắm nhìn những cánh đồng lúa trải dài bát ngát. Ngoài ra, du khách sẽ được tham quan ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm mang đậm dấu ấn của vùng quê Bắc Trung bộ ngay tại làng du lịch, cùng những vật dụng gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp như bếp củi, chạn bát, cối đá… được sắp xếp một cách khoa học bên trong các ngôi nhà. Tiếp đến, là tham quan khu nông trại sạch, trồng các loại rau, củ, quả như dưa vàng, dưa chuột…; và còn có thể trải nghiệm đời sống của người nông dân thông qua các hoạt động như dùng nơm úp cá, câu cá trên ghe thuyền, tham gia bộ môn thể thao lướt ván phản lực và thưởng thức các món ăn mang đậm chất quê của người dân ở đây như canh cua, cá rô đồng, cà muối, tìm hiểu nếp sống, phong tục của người dân. Cũng nhờ việc khai thác đặc trưng từ đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương để phục vụ phát triển du lịch nên vài năm nay, tại đây đã thu hút được khá đông du khách đến trải nghiệm, tìm hiểu.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đã có rất nhiều sản phẩm OCOP đã được công nhận, đã và đang là điểm tham quan, mua sắm của khách du lịch như, nước mắm Cự Nham (Quảng Xương), miến gạo Thăng Long (Nông Cống), chiếu cói Việt Trang (Nga Sơn), bánh nhãn Mường Ca Da (Quan Hóa)… Việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch là một hướng đi rất cần được đẩy mạnh. Bởi du lịch không chỉ là một kênh quảng bá rất tiềm năng, mà còn là một kênh tiêu thụ vô cùng hiệu quả các sản phẩm OCOP của tỉnh. Đây cũng được xem là tiền đề quan trọng để các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng hoàn chỉnh, từ hoạt động tham quan, ăn uống, trải nghiệm đến mua sắm sản phẩm.
Trên góc nhìn của nhà lữ hành, ông Phạm Tiến Hải, Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế Long Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Du lịch lữ hành TP Thanh Hóa, cho rằng: Với thế mạnh sẵn có về nông nghiệp và với sự hỗ trợ của Chương trình Mục tiêu quốc gia XDNTM, Thanh Hóa hoàn toàn có thể phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch nông thôn gắn với đặc trưng vùng miền. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng mạng lưới và hệ thống du lịch của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế việc phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn “manh mún”, nhỏ lẻ và chưa có chiều sâu, thiếu bền vững, thiếu cách làm bài bản để thu hút và “níu chân” du khách. Bởi vậy, để du lịch nông thôn phát triển và dần khẳng định được vị thế trong cơ cấu ngành du lịch, cần hơn nữa sự vào cuộc của các cấp, các ngành, người dân trong việc đầu tư đúng mức, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-trien-du-lich-nong-thon-gan-voi-dac-trung-vung-mien-219993.htm