Với tiềm năng, lợi thế sẵn có về tài nguyên thiên nhiên và bề dày văn hóa lịch sử, du lịch Thanh Hóa đã và đang phát triển theo hướng xây dựng điểm đến, sản phẩm du lịch mang đậm nét văn hóa. Qua đó không chỉ tạo lợi thế cạnh tranh, góp phần xây dựng thương hiệu mà còn thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” phát triển theo hướng bền vững.
Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước) khẳng định thương hiệu điểm đến từ giá trị văn hóa bản địa.
Nói đến xứ Thanh là nói đến sông Mã – nơi khởi phát của những huyền thoại và lịch sử của mảnh đất Thanh Hóa. Xuất phát từ điều đó, tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” đã được đưa vào khai thác, phục vụ khách du lịch từ năm 2015. Sau 9 năm đi vào hoạt động, du lịch “Ngược xuôi sông Mã” ngày càng khẳng định vị thế là một trong những sản phẩm điểm nhấn trong bức tranh du lịch của tỉnh. Có thể nói, đây không phải là sản phẩm mới, song chỉ riêng cái tên “Ngược xuôi sông Mã” thôi đã khiến du khách nhận diện ngay thương hiệu du lịch xứ Thanh. Đến nay, nhiều tour du lịch nằm trong tuyến tham quan được được đông đảo du khách đón nhận như bến tàu Hoàng Long – chùa Sùng Nghiêm, đền Nghè Yên Vực (hoặc Phủ Vàng) – đền Cô Bơ; bến tàu Hoàng Long – Tượng đài nữ sinh – Thiền viện Trúc Lâm – đền Cô Bơ…
Hướng tới khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch đường sông, đồng thời mang đến cho du khách những trải nghiệm mới vào ban đêm, tháng 4/2024 Trung tâm Phát triển du lịch Sông Mã đã cho ra mắt chương trình “Du dương nghe hò Sông Mã”. Chương trình được bắt đầu khi mặt trời buông xuống và suốt hành trình du khách sẽ được lắng nghe các làn điệu như hò rời bến, hò đò ngược, hò đò xuôi, hò mắc cạn và hò cập bến, do chính các nghệ nhân địa phương thể hiện.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quản lý đường thủy nội địa và Xây dựng giao thông Thanh Hóa Hoàng Văn Huy cho biết: Đến nay tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã” ngày càng được đông đảo du khách yêu thích bởi những trải nghiệm văn hóa đặc sắc. Cùng với việc nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, chúng tôi đặc biệt chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có đội ngũ hướng dẫn viên. Bởi, một sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa có hoàn thiện hay không phụ thuộc rất lớn vào nội dung thuyết minh và những giá trị văn hóa đặc sắc mà mình muốn truyền tải đến du khách. Và chúng tôi hy vọng rằng, chương trình “Du dương nghe hò sông Mã” sẽ mang đến cho du khách những cảm nhận trọn vẹn trong hành trình khám phá tuyến du lịch “Ngược xuôi sông Mã”.
Cùng với sản phẩm du lịch đường sông, du lịch sinh thái cộng đồng cũng là sản phẩm du lịch “sinh sau, đẻ muộn” của ngành du lịch Thanh Hóa. Những điểm đến như bản Năng Cát – thác Ma Hao (Lang Chánh); bản Hang (Quan Hóa); Pù Luông (Bá Thước); bản Mạ (Thường Xuân)… giờ đây đã trở thành cái tên quen thuộc với đông đảo du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Nếu du khách là người yêu thích khám phá, tìm hiểu sẽ tìm ra được những nét hấp dẫn riêng có của mỗi điểm đến, trong đó văn hóa truyền thống bản địa thể hiện qua từng nếp nhà sàn, trang phục, ẩm thực, lễ hội… chính là nét độc đáo làm nên giá trị điểm đến. Cũng chính nhờ có du lịch, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số như Thái, Mường… đã và đang được khôi phục.
Xác định phát triển du lịch mang đậm nét văn hóa là cần thiết để tạo dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh, trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện các dòng sản phẩm chủ lực gồm du lịch biển, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái cộng đồng. Trong đó, mỗi điểm đến hay sản phẩm du lịch đều cố gắng mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt, đặc sắc từ chính thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển đột phá về lượng khách của toàn tỉnh trong kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua.
PGS.TS Nguyễn Thị Thục, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhận định: “Với 1.535 di tích lịch sử – văn hóa, trong đó có những di tích mà chỉ cần nhắc đến tên là du khách đã nhận diện thương hiệu của điểm đến như di sản văn hóa Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân); di tích Đền Bà Triệu (Hậu Lộc); hang Con Moong (Thạch Thành); di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Sầm Sơn (TP Sầm Sơn)… Cùng với đó là hệ thống di sản văn hóa phi vật thể với đa dạng trò chơi, trò diễn, lễ hội đặc sắc. Đây là những “chất liệu” quý để xây dựng bộ nhận diện thương hiệu “Du lịch Thanh Hóa – Hương sắc bốn mùa” đã được công bố rộng rãi và được nhiều du khách trên cả nước biết đến. Qua đó cho thấy, văn hóa không chỉ là tài nguyên du lịch, là yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến, mà còn chính là động lực cho phát triển du lịch mang đậm bản sắc văn hóa một cách bền vững”.
Bài và ảnh: Hoài Anh