Cây khoai tây được ngành nông nghiệp xác định là một trong những đối tượng trồng trọt chủ lực của vụ đông năm 2023-2024. Nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm, các địa phương trong tỉnh đang tích cực tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp liên kết mở rộng diện tích trồng cây khoai tây với người dân.
Nông dân xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) chăm sóc khoai tây.
Phát huy kết quả trong liên kết sản xuất khoai tây thương phẩm các vụ đông năm trước, vụ đông năm 2023-2024, Công ty TNHH Xuân Minh tiếp tục mở rộng diện tích trồng khoai tây với bà con nông dân xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa). Giám đốc Công ty TNHH Xuân Minh – Lê Văn Hải cho biết: “Vụ đông năm nay công ty tiếp tục thuê 20 ha đất trồng cây màu của người dân xã Hoằng Lưu để sản xuất khoai tây thương phẩm theo hướng công nghệ cao. Đến ngày 25/11/2023, công ty đã giải phóng xong đất, lên luống chuẩn bị xuống giống cho kịp thời vụ. Nhằm giảm công lao động và chi phí sản xuất, công ty đã đầu tư hệ thống tưới phun sương tự động cho toàn bộ diện tích trồng khoai tây. Ngoài ra, công ty liên kết với 40 hộ dân xã Hoằng Lưu trồng khoảng 20 ha theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm. Hiện công ty đã cung cấp 5 tấn giống khoai tây Actrice và phân bón cho các hộ dân xuống giống cho kịp thời vụ. Qua các vụ trồng khoai tây Actrice cho thấy đây là giống có khả năng kháng bệnh tốt, sinh trưởng và phát triển mạnh, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương”.
Nhận thấy thị trường đầu ra của sản phẩm khoai tây là rất lớn, nên Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt đã liên kết với các địa phương trong tỉnh mở rộng diện tích sản xuất khoai tây vụ đông và đông xuân. Công ty đã xây dựng kho lạnh tại xã Hoằng Đức (Hoằng Hóa) để bảo quản khoai tây sau khi thu mua của người dân. Trong vụ đông xuân năm 2023-2024 này, công ty cũng liên kết với người dân các huyện Quảng Xương, Hà Trung, Hoằng Hóa và Nga Sơn mở rộng liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm hơn 300 ha khoai tây. Trong đó, trồng 100 ha khoai tây vụ đông và hơn 200 ha khoai tây vụ đông xuân. Đây là các địa phương duy trì liên kết sản xuất khoai tây giống nhiều năm nay với công ty. Hiện công ty đang tích cực phối hợp với các địa phương cung cấp giống, vật tư và cử cán bộ kỹ thuật xuống các xứ đồng hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất cho người dân.
Hiện nay, thông qua liên kết trồng khoai tây, nhiều địa phương trong tỉnh đã hình thành và duy trì được vùng sản xuất khoai tây tập trung. Nhiều doanh nghiệp đã có mối liên kết sản xuất bền vững, lâu dài với các địa phương trên địa bàn tỉnh, điển hình như: Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt, Công ty Orion Vina – Viện sinh học nông nghiệp, Công ty CP GVA, Công ty TNHH Xuân Minh với các HTX, hộ dân của các huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Thọ Xuân… với diện tích hơn 930 ha…
Vụ đông năm 2023-2024, toàn tỉnh phấn đấu trồng khoai tây theo hình thức liên kết bao tiêu sản phẩm 1.000 ha. Trong đó, khoai tây phục vụ chế biến là 300 – 350 ha tập trung tại các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Yên Định… Các giống chủ lực như khoai tây phục vụ chế biến gồm Atlantic, Bliss… và giống khoai tây phục vụ ăn tươi, Marabel, Diamant, Eben, Aladin, Actrice… Hiện các công ty đang tích cực xuống giống các diện tích khoai tây cho kịp thời vụ và để hạn chế nứt củ khi gặp mưa vào cuối vụ.
Kiểm tra tiến độ sản xuất vụ đông và tiến độ trồng khoai tây vụ đông tại các huyện Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Viết Chọn nhấn mạnh: Cây khoai tây có thời gian sinh trưởng ngắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và còn nhiều dư địa phát triển trên địa bàn tỉnh. Vì vậy đề nghị Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế An Việt tiếp tục duy trì và mở rộng diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây khoai tây với nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Công ty cũng chủ động cung cấp giống, vật tư chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật cho người sản xuất để đạt năng suất, chất lượng sản phẩm tốt nhất.
Bài và ảnh: Lê Hợi