Là 1 trong những đối tượng con nuôi chủ lực trong phát triển chăn nuôi của tỉnh Thanh Hóa, ngành nông nghiệp cùng các địa phương có tiềm năng phát triển đàn bò thịt đã khuyến khích ứng dụng khoa học – kỹ thuật, xây dựng các mô hình chăn nuôi bò an toàn sinh học, dự trữ thức ăn thô… Từ đó nâng cao chất lượng con nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Trang trại nuôi bò thịt tại xã Bãi Trành (Như Xuân).
Để nâng cao chất lượng đàn bò thịt, năm 2023 Viện Nông nghiệp Thanh Hóa đã thực hiện Dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình chăn nuôi bò lai hướng thịt tại các huyện trung du, miền núi của tỉnh Thanh Hóa”. Tại các huyện Triệu Sơn, Thọ Xuân, Cẩm Thủy, Thường Xuân… cán bộ nông nghiệp và người dân đã được tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bò, quy trình chăm sóc bò mẹ mang thai và chăm sóc bò lai F1, nuôi thương phẩm bò lai hướng thịt ở các giai đoạn, trộn phối thức ăn. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình như nuôi bò cái lai zebu sinh sản để thụ tinh nhân tạo bằng tinh đông lạnh bò giống Droughtmaster, nuôi vỗ béo bò lai F1 an toàn sinh học, liên kết theo chuỗi giá trị…
Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khảo nghiệm và Dịch vụ vật nuôi (Viện Nông nghiệp Thanh Hóa) Lê Trần Thái cho biết: “Từ việc xây dựng các mô hình tại các địa phương, đã tạo ra 2.115 con bò lai F1 giúp cho các địa phương chủ động tạo đàn bò cái nền phục vụ sản xuất giống bò thịt chất lượng cao, góp phần chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, đơn vị còn xây dựng được 20 mô hình nuôi thương phẩm bò lai F1 an toàn sinh học với quy mô 200 con bò lai F1 Droughmates, tỷ lệ nuôi sống đạt 100%. Sau 12 tháng, bò lai F1 sinh trưởng phát triển khá tốt, thích nghi với điều kiện khí hậu tại các địa phương; đạt khối lượng 240kg/con, tăng trọng cao hơn từ 3 đến 5% so với một số giống bò zebu. Đồng thời, xây dựng mô hình nuôi bò vỗ béo với tỷ lệ sống đạt 100%.
Có thể nói, lai giống là phương pháp nhân giống được ứng dụng rộng rãi trong nhân giống bò thịt nhằm tăng mức độ dị hợp và làm giảm mức độ đồng hợp. Phương pháp này sẽ tạo ra con lai có sức sống tốt hơn, khả năng thích ứng và chống đỡ bệnh tật cao hơn; đồng thời, làm tăng khả năng sinh sản, sinh trưởng, cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Được biết, trung bình mỗi năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thụ tinh nhân tạo được khoảng 27.000 liều tinh bò, du nhập một số giống bò BBB, Droughtmaster, RedAgus và tinh đông lạnh để phối giống với đàn bò cái nền lai zebu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò. Các giống bò chuyên dụng thịt đã được nhập vào nước ta nhằm lai tạo, cải tạo giống bò địa phương, thể hiện ưu thế lai rõ nét và phát huy được vốn gen quý theo hướng tăng cao năng suất, chất lượng thịt trong các vùng sinh thái khác nhau, năng suất và chất lượng thịt của con lai tăng hơn 30 đến 35% so với các giống bò địa phương.
Bên cạnh việc áp dụng khoa học – kỹ thuật để nâng cao tầm vóc cho đàn bò, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích người dân chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây thức ăn chăn nuôi để chủ động nguồn thức ăn thô, xanh. Cùng với đó, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và sử dụng các biện pháp chế biến để dự trữ, nâng cao chất lượng thức ăn. Hiện nay, toàn tỉnh đã phát triển được khoảng 17.000 ha cây thức ăn chăn nuôi, trong đó khoảng 80% là diện tích trồng các giống cỏ có năng suất, chất lượng cao như: VA06, Mulato, cỏ voi…
Ông Nguyễn Thế Vân ở xã Bãi Trành (Như Xuân) cho biết: “Gia đình tôi đã dành 1 ha đất sản xuất để trồng cỏ Mulato cho đàn bò, không những giúp gia đình chủ động được nguồn thức ăn trong chăn nuôi, tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất, mà còn giúp nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi”.
Mặt khác, để nâng cao chất lượng đàn bò thịt, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng xây dựng các mô hình chăn nuôi bò thịt theo chuỗi, phát triển mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa người chăn nuôi bò thịt với các doanh nghiệp; chú trọng tiêm phòng vắc-xin và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh”.
Hiện nay, để phát triển đàn bò thịt chất lượng cao, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương mở rộng diện tích trồng cỏ chăn nuôi, khuyến khích người dân xây dựng chuồng trại; đẩy mạnh công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học – kỹ thuật trong chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giống bò mới có khả năng miễn dịch cao, chất lượng thịt tốt. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, nhất là trong khâu giết mổ, tiêu thụ sản phẩm.
Bài và ảnh: Lê Ngọc