Với TP Thanh Hóa, công nghiệp giữ vai trò trụ cột của nền kinh tế. Nhằm đưa công nghiệp của thành phố phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và trở thành động lực cho quá trình phát triển kinh tế – xã hội trong chặng đường mới, Đại hội Đảng bộ TP Thanh Hóa nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra Chương trình trọng tâm “Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề”. Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện chương trình trọng tâm trên lĩnh vực công nghiệp của thành phố đã có bước phát triển mới, là những tín hiệu cho sự kỳ vọng.
Công nhân Công ty TNHH Sakurai Việt Nam, thuộc Khu Công nghiệp Lễ Môn trong ca sản xuất.
Để trở thành một trong những trung tâm lớn về công nghiệp công nghệ cao của vùng Nam đồng bằng Bắc bộ và Bắc Trung bộ, TP Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn. Với quyết tâm sớm kiến tạo “bộ khung” vững chắc cho nền công nghiệp địa phương, thành phố đã tích cực phối hợp với các sở, ngành lập quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa đến năm 2040. Trong đó, tích hợp, bổ sung KCN phía Tây với quy mô khoảng 650 ha thuộc KCN – đô thị phía Tây TP Thanh Hóa và các CCN vào phương án phát triển các khu kinh tế, KCN tỉnh Thanh Hóa. Cuối tháng 2 và giữa tháng 3-2023, các quy hoạch trên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP Thanh Hóa có KCN Lễ Môn, KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga, KCN Hoàng Long và 4 CCN là CCN phía Tây thuộc phường An Hưng có quy mô 20 ha, CCN phía Bắc thuộc phường Thiệu Dương quy mô 26,6 ha, CCN phía Đông Bắc thuộc phường Long Anh, CCN phía Tây Nam thuộc phường Quảng Thịnh và xã Quảng Trạch, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) quy mô 65 ha. Bên cạnh đó, thành phố tăng cường công tác phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN tỉnh cùng các sở, ngành tiến hành rà soát, đánh giá lại hạ tầng kỹ thuật tại các KCN trên địa bàn. Đồng thời, tích cực đôn đốc các nhà đầu tư hạ tầng KCN, tập trung giải quyết những tồn tại kéo dài trong quy hoạch xây dựng, tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự tại các KCN. Cùng với tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh thân thiện, hấp dẫn, thành phố tập trung nâng cao hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để mời gọi các công ty, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp tại các KCN, CCN.
Theo báo cáo của TP Thanh Hóa, trong nửa nhiệm kỳ qua đã thu hút được 14 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 597 tỷ đồng vào các KCN trên địa bàn. Qua thống kê, từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, các công ty, doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn thành phố đã nộp ngân sách Nhà nước 1.788 tỷ đồng và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 60.000 lao động trong tỉnh. |
Theo báo cáo của TP Thanh Hóa, trong nửa nhiệm kỳ qua đã thu hút được 14 dự án đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 597 tỷ đồng vào các KCN trên địa bàn. Lũy kế đến nay, các KCN của TP Thanh Hóa đã thu hút được 324 dự án đầu tư thứ cấp. Trong đó có 25 dự án đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 339,377 triệu USD và nguồn vốn đã thực hiện đầu tư hơn 350 triệu USD; có 299 dự án đầu tư từ doanh nghiệp trong nước, với số vốn đăng ký đầu tư hơn 6.477 tỷ đồng và nguồn vốn đã thực hiện đầu tư khoảng 6.205 tỷ đồng.
Từ đầu nhiệm kỳ, dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất của các nhà máy trong các KCN của TP Thanh Hóa. Trước tình hình đó, thành phố đã tập trung tối đa hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà máy duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và người lao động mất việc làm, thiếu việc làm, bị giảm thu nhập. Nhờ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà máy trong các KCN của TP Thanh Hóa vẫn có mức tăng trưởng cao. Qua thống kê, từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023, các công ty, doanh nghiệp tại các KCN trên địa bàn thành phố đã nộp ngân sách Nhà nước 1.788 tỷ đồng và tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 60.000 lao động trong tỉnh. Đáng mừng hơn là hoạt động xuất khẩu của các công ty, doanh nghiệp trong các KCN không bị “đứt gãy”. Trong các KCN của thành phố, hiện có 38 nhà máy sản xuất hơn 80 mặt hàng xuất khẩu. Tính từ năm 2021 đến giữa năm 2023, giá trị xuất khẩu của các công ty, doanh nghiệp trong các CCN đạt hơn 3.902 triệu USD.
Bên cạnh những con số “biết nói” về giá trị kinh tế, thì lĩnh vực công nghiệp của TP Thanh Hóa trong hơn 2 năm qua vẫn còn những tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm. Trước tiên là tiến độ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật tại các KCN của thành phố chưa đạt yêu cầu đề ra; mục tiêu khởi công xây dựng và hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN phía Đông Bắc trong năm 2023 không hoàn thành; công tác chuẩn bị đầu tư CCN phía Tây Nam chậm so với kế hoạch. Đó còn là vấn môi trường trong sản xuất công nghiệp, gây bức xúc trong Nhân dân ở một số địa phương kề các KCN. Đáng nói hơn là KCN Hoàng Long chưa đầu tư xây dựng khu xử lý nước thải; trạm xử lý nước thải KCN Đình Hương- Tây Bắc Ga đã được đầu tư xây dựng nhưng chưa vận hành và công suất không đáp ứng nhu cầu. Việc đầu tư cho sản xuất công nghiệp và sức tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp của các doanh nghiệp, nhà máy trong các KCN của TP Thanh Hóa giảm…
Nhằm khắc phục những hạn chế, tồn tại và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển công nghiệp đã đề ra trong chương trình trọng tâm “Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn TP Thanh Hóa”, TP Thanh Hóa đã đề ra nhiều giải pháp có tính “căn cơ”. Trọng tâm là tiếp tục kêu gọi, thu hút nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật KCN phía Tây và các CCN trên địa bàn; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các nhà máy, xí nghiệp vi phạm về môi trường, trật tự đô thị, an toàn giao thông trong các KCN. Song song với đẩy nhanh bồi thường giải phóng mặt bằng để sớm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN, thành phố kiên quyết giải quyết dứt điểm những tồn tại, bất cập trong các CCN cũ (CCN Vức, CCN Đông Lĩnh, CCN Đông Hưng, CCN Thiệu Dương) và KCN Đình Hương – Tây Bắc Ga, KCN Hoàng Long; từng bước chuyển đổi KCN Lễ Môn sang sử dụng công nghệ sạch, sử dụng ít lao động. Đối với các CCN tiếp nhận khi sáp nhập huyện Đông Sơn, TP Thanh Hóa sẽ chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, tổng hợp đầy đủ các hồ sơ pháp lý về quy hoạch và thành lập CCN; tổ chức rà soát, đánh giá về quy hoạch, thực trạng hạ tầng kỹ thuật, môi trường, đầu tư xây dựng, sử dụng đất nhằm phát huy hiệu quả của các CCN. Bằng những giải pháp và cách làm phù hợp, sáng tạo, chắc chắn vào cuối nhiệm kỳ, công nghiệp TP Thanh Hóa sẽ có sự bứt phá qua những con số thuyết phục hơn.
Bài và ảnh: Hòa Bình