Chợ truyền thống là biểu tượng văn hóa gắn liền với đời sống cộng đồng tại các vùng nông thôn Việt Nam. Tại Thanh Hóa – một tỉnh có diện tích lớn và dân số đông, hệ thống chợ truyền thống không chỉ là trung tâm giao thương mà còn là “nhịp đập” kinh tế – xã hội của các vùng nông thôn. Tuy nhiên, để phát huy tối đa vai trò của chợ trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa, cần có chiến lược đầu tư hợp lý, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và gắn kết chợ với sự phát triển bền vững của địa phương.
Chợ Điện Biên tại TP Thanh Hóa được đầu tư bài bản, đảm bảo an toàn vệ sinh và phòng, chống cháy nổ.
Do sự phát triển mạnh mẽ của các mô hình thương mại hiện đại, tốc độ phát triển của chợ truyền thống những năm gần đây đã có dấu hiệu chững lại. Tuy vậy, Nhà nước vẫn đánh giá cao vai trò quan trọng của chợ truyền thống trong đời sống kinh tế – xã hội, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Nhằm thúc đẩy sự phát triển của chợ truyền thống, đáp ứng yêu cầu là kênh lưu thông hàng hóa quan trọng, ngày 5/6/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ với nhiều quy định đổi mới đáng chú ý. Nghị định cho phép các địa phương chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách Nhà nước để đầu tư hoặc hỗ trợ vốn phát triển chợ trên địa bàn. Đồng thời, các quy định mới đã được bổ sung nhằm quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ do Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ, đảm bảo thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đáng chú ý, nghị định khuyến khích mạnh mẽ xã hội hóa, huy động đa dạng các nguồn lực để duy trì, phát triển và khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng chợ. Một điểm nổi bật khác là các nghĩa vụ mới đối với chủ đầu tư xây dựng chợ. Chủ đầu tư được yêu cầu thực hiện bảo trì trong suốt chu kỳ dự án, đảm bảo duy trì chất lượng hạ tầng và tiện ích chợ. Việc quản lý chợ không còn do các ban quản lý như trước đây mà sẽ được chuyển giao cho các doanh nghiệp, HTX hoặc tổ chức được giao quản lý tài sản hạ tầng chợ, tạo điều kiện nâng cao tính chuyên nghiệp trong quản lý và vận hành.
Thanh Hóa hiện đang sở hữu hệ thống chợ truyền thống phát triển mạnh với tổng cộng 388 chợ, bao gồm 10 chợ hạng 1, 34 chợ hạng 2 và 354 chợ hạng 3. Sở Công Thương đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quy hoạch, phát triển hệ thống chợ trên địa bàn. Quá trình này không chỉ đảm bảo tính phù hợp về quy mô và tính chất đầu tư theo kế hoạch mà còn đi kèm với chính sách hỗ trợ vốn để xây mới, nâng cấp và cải tạo các chợ. Đến nay, hầu hết các chợ trên địa bàn đã được cải thiện đáng kể với đình chợ kiên cố hoặc bán kiên cố, các ki-ốt được đầu tư khang trang, sạch sẽ. Nền chợ và hệ thống giao thông nội bộ được bê tông hóa, đồng thời các hạng mục như thoát nước, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy và vệ sinh môi trường cũng được đảm bảo. Những cải tiến này đã đáp ứng tốt nhu cầu giao thương của người dân. Nhờ đó, các chợ đã khẳng định vai trò quan trọng là kênh phân phối bán buôn và bán lẻ chính của địa phương, không chỉ đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng mà còn góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nhiều mặt hàng nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp của địa phương.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Công Thương, chợ truyền thống đang đối mặt với xu hướng thu hẹp quy mô hoạt động, đặc biệt tại một số huyện có mật độ chợ khá thưa thớt và chủ yếu là các chợ hạng 3 với quy mô nhỏ. Trong khi đó, số lượng chợ hạng 1 và 2 thường tập trung tại TP Thanh Hóa và các thị trấn lớn nhưng việc nâng cấp các chợ này lên tiêu chuẩn cao hơn lại diễn ra chậm chạp. Khoảng cách về năng lực giữa chợ truyền thống và các siêu thị, trung tâm thương mại cũng như thương mại điện tử ngày càng gia tăng, làm giảm sức cạnh tranh của chợ. Sự thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân, với xu hướng ưu tiên sự tiện lợi, cũng khiến chợ truyền thống mất dần sức hút. Ngoài ra, nhiều bất cập trong kinh doanh và quản lý chợ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Chính sách đầu tư và quy hoạch phát triển thương mại của các địa phương chưa được triển khai hiệu quả, mô hình quản lý chợ còn lạc hậu và nhận thức của ban quản lý chợ, tiểu thương chưa đáp ứng được yêu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng hiện đại. Những yếu tố này đã làm giảm lượng khách hàng đến với chợ, đe dọa vai trò truyền thống vốn có của mô hình này trong hệ thống thương mại địa phương.
Để Nghị định số 60/2024/NĐ-CP của Chính phủ sớm đi vào thực tiễn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn. Trước tiên, tỉnh yêu cầu rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch hệ thống chợ phù hợp với thực tế phát triển kinh tế – xã hội của từng khu vực, đảm bảo tính đồng bộ và hiệu quả. Đặc biệt, chú trọng đầu tư nâng cấp các chợ hạng 1, 2 tại những khu vực trọng điểm, đồng thời cải tạo cơ sở hạ tầng các chợ hạng 3 để đáp ứng tốt hơn nhu cầu giao thương. Tỉnh cũng khuyến khích xã hội hóa đầu tư chợ, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, HTX vào các hoạt động quản lý, khai thác và phát triển hạ tầng chợ. Nguồn lực xã hội được kỳ vọng sẽ giúp giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước, đồng thời nâng cao hiệu quả vận hành chợ theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp.
Bên cạnh đó, Thanh Hóa tập trung cải thiện môi trường kinh doanh trong chợ, hỗ trợ tiểu thương nâng cao năng lực cạnh tranh, thích nghi với xu hướng tiêu dùng mới. Việc ứng dụng công nghệ trong quản lý và vận hành chợ, như triển khai hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, việc số hóa thông tin kinh doanh cũng được đẩy mạnh.
Song song với các giải pháp trên, UBND tỉnh còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, tiểu thương và các đơn vị quản lý về vai trò quan trọng của chợ truyền thống trong phát triển kinh tế địa phương. Với sự chỉ đạo sát sao và đồng bộ, các giải pháp này hứa hẹn sẽ tạo động lực mạnh mẽ để chợ truyền thống tại Thanh Hóa phát triển bền vững và ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Bài và ảnh: Chi Phạm
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/phat-trien-cho-truyen-thong-vung-nong-thon-232971.htm