Thời gian qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Mường Lát đã cùng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Mường Lát nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng, đến nay độ che phủ của rừng trên địa bàn đã đạt 77%. Nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc được phủ xanh, mở ra nhiều hướng mới trong phát triển kinh tế rừng cho người dân và góp phần bảo vệ môi trường.
Người dân xã Pù Nhi chăm sóc cây trẩu.
Theo chân cán bộ BQLRPH Mường Lát chúng tôi đến thăm rừng sản xuất của ông Hà Văn Luần ở khu phố Chiên Pục, thị trấn Mường Lát. Ông Luần cho biết, những năm trước đây trên diện tích đất rừng sản xuất của gia đình ông trồng các loại cây mang lại hiệu quả kinh tế không cao, nhưng từ khi được BQLRPH huyện Mường Lát cấp giống cây trẩu để trồng, cùng với việc được hướng dẫn cách chăm sóc, gia đình ông đã trồng được 2,65ha. Những cây trẩu trồng của các năm trước đã cho thu hoạch lượng quả nhất định. Hiện nay, gia đình đang tập trung chăm sóc số lượng cây trẩu mới trồng và kỳ vọng loại cây này mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Trao đổi với chúng tôi về hiệu quả của cây trẩu khi được lựa chọn là loại cây để cung ứng giống cho bà con trồng, Giám đốc BQLRPH Mường Lát Nguyễn Hoàng Anh cho biết: BQLRPH Mường Lát hiện đang quản lý 3.476,69ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn thị trấn Mường Lát và 3 xã Tam Chung, Pù Nhi và Nhi Sơn. Để bảo vệ rừng bền vững, tạo sinh kế cho người dân phát triển rừng, thời gian qua BQLRPH Mường Lát đã triển khai nhiều đề tài nghiên cứu, hỗ trợ người dân trên địa bàn trồng các loại cây gỗ lớn, tham gia chương trình trồng rừng thay thế, nhưng nổi bật và có hiệu quả hơn cả là cây trẩu và tếch.
Qua thực tế và thời gian triển khai trồng, BQL và người dân nhận thấy đây là loại cây có nhiều ưu điểm như thích hợp với mọi chất đất, dễ trồng, đầu tư ít, đang đem lại hiệu quả cho người dân. Hơn nữa trồng trẩu nhanh thành rừng, sau 3 đến 5 năm trồng có thể thu hoạch quả lấy hạt, 7 năm là thu được gỗ. Cây trẩu cũng đa tác dụng, gỗ được bóc làm lớp phủ bề mặt của công nghệ chế biến gỗ dán; hạt trẩu được được ép thành dầu làm nguyên liệu phụ gia cho các ngành công nghiệp chế biến sơn, véc-ni, mực in, chất làm khô bề mặt, chất bôi trơn; công nghiệp dược phẩm, nhiên liệu sinh học làm chất dẻo, da nhân tạo…
Để góp phần tạo sinh kế cho người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế trên tuyến biên giới, năm 2021 BQLRPH Mường Lát bắt đầu trồng cây trẩu tại khu phố Chiên Pục (thị trấn Mường Lát) và bản Cân, Tân Hương (xã Tam Chung) với diện tích hơn 11ha, nâng tổng diện tích lên 50ha trồng trên đất rừng sản xuất. Năm 2022, BQL tiếp tục trồng được 50ha cây trẩu trên đất rừng sản xuất và 20ha đất rừng phòng hộ tại bản Suối Lóng (xã Tam Chung). Năm 2023, BQL đã trồng xen canh cây trẩu và cây tếch được 29,57ha. Từ đầu năm 2024 đến nay, BQL tiếp tục mở rộng và trồng mới cây trẩu với diện tích 35ha đất rừng phòng hộ và 70ha đất rừng sản xuất. Hiện nay cây trẩu đang được người dân trồng trong rừng sản xuất của hộ gia đình và đã cho thu hoạch 1 năm lên đến 100kg quả/vườn, với giá bán tại thời điểm BQL thu mua làm hạt giống là 10 nghìn đồng/1kg tươi và từ 12 nghìn đồng đến 15 nghìn đồng/1kg khô.
Cây trẩu đang được xác định là cây có giá trị kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cho bà con đồng bào vùng cao; là cây tạo được nguồn sinh thủy, có tác dụng cải thiện môi trường, phòng hộ hiệu quả. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Lát Trần Văn Thắng cho biết: Năm 2023 Viện Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa công bố, bàn giao kết quả nghiên cứu, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng – nông hóa huyện Mường Lát. Qua khảo sát tại địa phương nhiều diện tích ở trên đồi, núi cao không phù hợp với các loại cây trồng truyền thống có thể chuyển sang trồng cây trẩu lấy dầu. Việc phát triển cây trẩu giúp người dân có thêm việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần nâng cao độ che phủ rừng.
Bài và ảnh: Tiến Đạt