Được xác định là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu nên thời gian gần đây, người dân các địa phương trong tỉnh đã chủ động khai thác thế mạnh này để nâng cao thu nhập. Cùng với đó, nhiều HTX được thành lập và tham gia sản xuất, tiêu thụ dược liệu, hình thành các chuỗi sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, nhất là ở khu vực miền núi.
Diện tích cây chè đắng của hộ gia đình ông Trương Công Thứ, thôn Giàu Cả, xã Lương Ngoại (Bá Thước) được HTX Dược liệu Pù Luông liên kết, thu mua toàn bộ sản phẩm.
Từ chỗ chỉ trồng để sử dụng trong gia đình, cây chè đắng của gia đình ông Trương Công Thứ, thôn Giàu Cả, xã Lương Ngoại (Bá Thước) đã trở thành cây hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao khi được HTX Dược liệu Pù Luông liên kết bao tiêu sản phẩm. Ông Thứ, cho biết: Năm 2022, sau khi HTX Dược liệu Pù Luông triển khai, thu mua cây chè đắng, gia đình tôi đã mở rộng diện tích sản xuất lên gần 1.000 m2 trong vườn nhà. Sau 8 tháng nhân giống, cây chè đắng cho thu hoạch. Sản lượng khoảng 4 tấn, doanh thu hơn 8 triệu đồng. Hơn nữa, loại cây trồng này không đòi hỏi nhiều kỹ thuật, công chăm sóc lại có thể lưu gốc nhiều năm nên phù hợp với điều kiện sản xuất của đa phần người dân. Nhờ liên kết bền vững với HTX, gia đình tôi và nhiều hộ tại địa phương đang triển khai mở rộng diện tích sản xuất, đưa cây chè đắng thay thế cho các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp.
HTX Dược liệu Pù Luông đang thực hiện liên kết với 160 hộ dân của hai huyện Bá Thước và Cẩm Thủy để sản xuất dược liệu với tổng diện tích 55 ha. Ông Nguyễn Ngọc Thân, Giám đốc HTX cho biết: HTX đã tìm kiếm và đấu mối với một số công ty dược cung ứng khoảng 5.000 tấn dược liệu/năm. Do đó, nhu cầu dược liệu của HTX rất lớn, đây chính là điều kiện để HTX tiếp tục liên kết với người dân, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích sản xuất cây dược liệu thay thế cho các loại cây trồng hiệu quả kinh tế thấp.
Nhận thấy thị trường và người tiêu dùng có nhu cầu lớn về nguồn dược liệu, nhiều HTX đã linh hoạt chuyển đổi, xây dựng phương án sản xuất mới phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại Vinaco, cho biết: Sau khi nhận thấy nhu cầu của thị trường về nguồn dược liệu rất lớn, HTX đã liên kết với một số xã ở các huyện Ngọc Lặc, Thường Xuân để sản xuất sâm báo, bạc hà, hương nhu… cung cấp nguyên liệu phục vụ chiết xuất tinh dầu, làm dược liệu. Theo ước tính, giá trị kinh tế bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt khoảng 280 – 350 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng truyền thống ở các địa phương đang có diện tích liên kết.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 47 HTX chuyên về sản xuất, kinh doanh dược liệu. Các HTX đã năng động, thích ứng nhanh với thị trường, mạnh dạn đầu tư vốn, tích tụ tập trung đất đai và vận động thành viên sản xuất các loại cây dược liệu. Mỗi HTX có diện tích liên kết từ vài chục đến hàng trăm ha; chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết với doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm.
Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa Lê Hồng Hải, cho biết: Liên minh HTX đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành triển khai các cơ chế chính sách. Đặc biệt là nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức các hội thảo tìm đầu ra cho các sản phẩm, tăng cường phát triển các mô hình liên doanh liên kết bền vững với doanh nghiệp trong sản xuất dược liệu góp phần nâng cao giá trị kinh tế và thu nhập cho người dân.
Bài và ảnh: Lê Hòa