Hương ước, quy ước có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Bởi vậy, những năm qua, việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước tại các thôn, làng, khu dân cư trong tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm phối hợp, triển khai thực hiện.
Nhà văn hóa thôn Đồng Hải, xã Hải Long (Như Thanh).
Từ nhiều năm nay, bản hương ước, quy ước của thôn Đồng Hải, xã Hải Long (Như Thanh) đều được treo ở nhà văn hóa để người dân mỗi khi đến hội họp, sinh hoạt hay vui chơi giải trí đều có thể nhìn thấy và thực hiện theo đúng quy định. Ông Trương Sỹ Long, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Hải, cho biết: “Hương ước, quy ước được xem như lệ làng, là sợi dây bền chặt để nối liền từng cá nhân trong cộng đồng làng xã. Bởi vậy, thôn đã quan tâm xây dựng hương ước, quy ước bám sát đời sống và tình hình thực tế của thôn với các nội dung như, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng kết cấu hạ tầng, giữ gìn an ninh chính trị, vệ sinh môi trường… Hằng năm, trên cơ sở các hương ước, quy ước đã được xây dựng, thôn đã tích cực rà soát, điều chỉnh lấy ý kiến Nhân dân để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với đời sống. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết và thực hiện theo đúng quy định. Nhờ đó, bà con trong thôn đã chú trọng đến việc phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đến nay trong thôn cũng không còn hộ nghèo, các phong trào văn hóa, văn nghệ cũng sôi nổi hơn, tình làng, nghĩa xóm ngày càng thêm bền chặt”.
Nói về vai trò của hương ước, quy ước trong đời sống hiện nay, ông Lục Đại Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Long (Như Thanh) chia sẻ: “Đến nay, 9/9 thôn trong xã đều đã xây dựng và thực hiện nghiêm các quy định trong hương ước, quy ước. Các hương ước, quy ước tại các thôn khi xây dựng hay sửa đổi, bổ sung đều trên cơ sở phát huy dân chủ, có sự bàn bạc, thống nhất ý kiến của người dân. Thời gian qua, để việc thực hiện hương ước, quy ước ngày càng đi vào nền nếp, xã đã gắn việc thực hiện hương ước, quy ước vào phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và XDNTM. Nhờ đó, người dân đều đồng tình, thực hiện tốt. Hiện cả 9/9 thôn đều đạt thôn văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa toàn xã đạt 93%, các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao ngày càng phát triển sôi nổi. Xã cũng đã có 7/9 thôn đạt thôn NTM kiểu mẫu”.
Ông Đinh Xuân Thắng, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Như Thanh, cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 159/159 thôn, bản, khu phố xây dựng được hương ước, quy ước. Đa số các bản hương ước, quy ước được xây dựng đều có nội dung phù hợp với tình hình thực tế, truyền thống, phong tục và bản sắc của địa phương và đúng quy định của pháp luật. Hằng năm, huyện thường xuyên rà soát, bổ sung điều chỉnh vào hương ước, quy ước cho phù hợp với từng cộng đồng dân cư. Nhờ đó, đã có sự chuyển biến tích cực trên mọi lĩnh vực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao, các hủ tục dần được loại bỏ, nếp sống văn hóa mới được hình thành”.
Tại huyện Triệu Sơn, có 254/254 thôn, tổ dân phố đã xây dựng được hương ước, quy ước. Hằng năm, ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện đều tích cực phối hợp với các cấp, ngành liên quan thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc thực hiện hương ước, quy ước tại các thôn, khu phố. Từ đó, kịp thời tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn điều chỉnh, bổ sung nội dung trong hương ước, quy ước cho phù hợp với tình hình thực tế tại đơn vị theo quy định. Đồng thời, giao cho các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, đánh giá và tuyên truyền cho Nhân dân thực hiện tốt các điều hương ước, quy ước đã đề ra. Nhờ đó, mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội ở các thôn, làng, khu phố có chuyển biến rõ nét, nhất là phong trào xây dựng đời sống văn hóa. Tính đến nay, toàn huyện đã công nhận được 220/254 thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu khu dân cư, tổ dân phố văn hóa, đạt 86,6%. Tỷ lệ gia đình văn hóa toàn huyện năm 2023 ước đạt trên 82%.
Với những hiệu quả mang lại trong việc thúc đẩy phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, XDNTM và khuyến khích người dân đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội. Những năm qua, hầu hết các làng, bản, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều xây dựng và thực hiện tốt các nội dung của hương ước, quy ước. Tuy nhiên, việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước tại một số địa phương trong tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn. Nhiều bản hương ước, quy ước có nội dung còn sơ sài, chỉ mang tính hình thức. Quá trình sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước nhiều khi còn chưa kịp thời, chưa phù hợp với sự thay đổi trong đời sống xã hội dẫn đến khó phát huy được giá trị của hương ước, quy ước trong đời sống người dân…
Để hương ước, quy ước ngày càng đi vào đời sống, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nâng cao chất lượng nội dung của các bản hương ước, quy ước; xây dựng hương ước, quy ước mang tính đặc thù, sát với điều kiện, đặc điểm của từng thôn, bản, tổ dân phố…
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt