Phát triển kinh tế tập thể (KTTT), HTX có ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy kinh tế nông thôn. Thông qua các mô hình, KTTT đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong việc định hướng, hỗ trợ và nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Từ đó, người dân và doanh nghiệp cũng hình thành được chuỗi liên kết sản xuất giúp nâng cao năng suất, chất lượng và đầu ra của sản phẩm.
HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Định Hòa (xã Định Hòa, huyện Yên Định) hỗ trợ người dân phát triển sản xuất.
KTTT tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên phổ biến nhất là tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX… Trong đó, HTX được coi là loại hình nòng cốt của KTTT. Tính đến hết tháng 8/2023, toàn tỉnh có 1.314 HTX, gồm 827 HTX nông nghiệp, 176 HTX công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, 127 HTX thương mại – dịch vụ, 19 HTX xây dựng, 27 HTX giao thông vận tải, 33 HTX môi trường, 38 HTX khác. Ngay từ khái niệm ban đầu, HTX là đơn vị cầu nối cho nhiều hộ dân khác nhau được hợp tác, xây dựng để cùng phát triển. Từ đó giúp người dân nâng cao được kiến thức, kinh nghiệm, khắc phục được những hạn chế của từng cá thể; đồng thời tạo nên sức mạnh cộng đồng để kịp thích ứng với sức cạnh tranh trên thị trường.
Tại HTX dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao Định Hòa, xã Định Hòa (Yên Định), chỉ từ 5 hộ nông dân tham gia đến nay HTX đã thu hút được hơn 50 hộ tham gia trồng dưa vàng và các loại rau an toàn. Trước tình hình khó khăn đầu ra của nhiều loại nông sản, HTX đã thể hiện được vai trò kết nối người dân với doanh nghiệp thu mua. Theo đó, HTX đã liên kết với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, HTX nông nghiệp Khánh Hồng (Ninh Bình), HTX nông nghiệp CNC Điền Trạch (Thọ Xuân) để cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lẫn bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết sản xuất đã giúp HTX tăng gấp đôi hiệu quả về kinh tế, trung bình một năm xuất bán ra thị trường từ 20 – 30 tấn dưa/vụ và tiếp tục có xu hướng tăng. Giám đốc HTX Phạm Văn Viên cho biết: Ngoài tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các nông hộ, điều quan trọng nhất mà HTX làm được là thay đổi được tư duy và cách làm cũ cho các thành viên. Từ sản xuất bột phát, thiếu tính toán đến lúng túng khi tìm đơn vị bao tiêu sản phẩm dẫn đến thua lỗ mùa vụ, thì đến nay các hộ sản xuất đã có thể tự tin hơn với các phương thức sản xuất mới. Để vai trò của KTTT được phát huy hiệu quả nhất, thời gian tới HTX sẽ đưa các thành viên đi học tại các lớp tập huấn của UBND xã; đồng thời không ngừng tìm hiểu, học hỏi thêm những kiến thức về nông nghiệp để chất lượng sản phẩm ngày một hoàn thiện hơn.
Thọ Xuân là một trong những địa phương có nhiều mô hình KTTT phát triển, trong đó HTX dịch vụ nông nghiệp Thọ Trường, xã Trường Xuân là một trong những đơn vị điển hình của huyện phát huy tốt vai trò của đại diện các mô hình KTTT. Để việc tiêu thụ sản phẩm đảm bảo hiệu quả, HTX đã liên kết với Công ty CP Giống cây trồng Đại An để cung ứng lúa giống cho gieo cấy từ 50 – 60 ha/vụ, xuất bán sản phẩm của 80 ha ớt và các loại cây rau màu khác. Cũng nhờ HTX, nông dân đã thay đổi phương thức sản xuất từ thủ công sang cơ giới hóa, nhiều giống mới được đưa vào trồng đã cho hiệu quả kinh tế cao. Bà Lài Thị Quê, thành viên của HTX, cho biết: Từ khi tham gia HTX tôi được mở mang thêm nhiều kiến thức sản xuất mới, các sản phẩm được xuất bán ra thị trường còn cao hơn mặt bằng chung từ 3.000 đến 5.000 đồng/kg.
Từ những kết quả đạt được càng thêm khẳng định vai trò quan trọng của các mô hình KTTT trong sản xuất. Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa đang khuyến khích phát triển KTTT, nhất là HTX sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có có giá trị kinh tế cao và lợi thế cạnh tranh góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho thành viên HTX.
Bài và ảnh: Chi Phạm