Với mục tiêu giới thiệu, quảng bá, đưa các sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, từ năm 2019 đến nay, hàng chục điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP được xây dựng tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Mặc dù được các cấp chính quyền địa phương hỗ trợ tích cực và hệ sinh thái sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đa dạng nhưng không ít cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP vẫn loay hoay tìm hướng phát triển, chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế.
Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP và các sản phẩm đặc sản vùng miền của HTX Sản xuất và Thương mại Vinaco tại TP Thanh Hóa.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình OCOP tỉnh Thanh Hóa đã khá thành công khi lan tỏa, khơi dậy được ý chí, đam mê phát triển sản phẩm OCOP trong Nhân dân. Toàn tỉnh đã có 485 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 sản phẩm OCOP 5 sao và 3 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hầu hết các sản phẩm đều được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng, được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong, ngoài nước và gần 30 sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên trong thực tế, một trong những kênh tiêu thụ và kết nối tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP chính là các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại được các sở, ngành, đơn vị tổ chức và kết nối. Thông qua các chương trình này, nhiều sản phẩm tìm kiếm được thị trường tiêu thụ ổn định, góp phần gia tăng doanh thu, lợi nhuận đáng kể. Bà Quách Thị Anh, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất dược liệu Hương Quê (Thường Xuân), cho biết: Thông qua các hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các chủ thể sản xuất được tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng. Qua đó, kết nối thêm các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và các đại lý trong, ngoài tỉnh. Đây là lợi thế mà khi chủ thể giới thiệu, kinh doanh truyền thống sản phẩm OCOP các điểm trưng bày, bán sản phẩm không có được.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 16 điểm, cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP được hỗ trợ từ ngân sách và hàng chục điểm khác do các chủ thể, doanh nghiệp, HTX đầu tư. Một thực tế đang diễn ra là hầu hết các điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, được hỗ trợ từ ngân sách được đặt tại thành phố, trung tâm các huyện, thị xã, với nhiều lợi thế, song hoạt động không như kỳ vọng. Thậm chí có những điểm, cửa hàng đã ngừng hoạt động không lâu sau khi nhận được hỗ trợ. Trong khi đó, hầu hết các mô hình kinh doanh sản phẩm OCOP, các đặc sản vùng miền khác, như: cửa hàng bán sản phẩm OCOP của HTX Sản xuất và Thương mại Vinaco, cửa hàng thực phẩm sạch và nông sản vùng miền Ngọc Điệp (Bá Thước)… do tư nhân đầu tư vẫn duy trì, phát triển mạnh, mặc dù phải chịu nhiều áp lực về phí thuê điểm, nhân viên… Bà Nguyễn Thị Vân, Giám đốc HTX Sản xuất và Thương mại Vinaco, cho biết: “Để duy trì được cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP, chúng tôi phải đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ kinh doanh sản phẩm OCOP của Thanh Hóa mà còn của các địa phương khác trên cả nước, với tỷ lệ 80% sản phẩm của tỉnh và khoảng 20% sản phẩm ngoại tỉnh. Cùng với đó, cửa hàng phải tạo sự khác biệt, sắp xếp hàng hóa khoa học, đẹp mắt các loại hàng hóa và quy cách đóng gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu sử dụng của đa phần khách hàng”.
Khảo sát thực tế cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) của Công ty CP OCOP Hương Việt, nhận thấy, có hàng trăm sản phẩm OCOP từ khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được bày bán, song được bài trí, chăm chút gọn gàng, khoa học. Nhân viên phục vụ có chuyên môn, nhiệt tình… Với những yếu tố đó, người tiêu dùng có cảm giác được vào một siêu thị kinh doanh sản phẩm đặc sản. Mặc dù, kinh phí đầu tư mặt bằng, nhân viên khá lớn, song cửa hàng hoạt động ổn định, với doanh thu hàng trăm triệu đồng/tháng. Ông Lê Văn Bắc, giám đốc công ty cho biết: “Thành lập từ cuối năm 2023, với tiêu chí lựa chọn, kinh doanh những sản phẩm phù hợp với phân khúc khách hàng khác nhau nên cửa hàng vẫn hoạt động ổn định và tạo sức hút tốt với người tiêu dùng. Trong đó, chúng tôi luôn thống kê, kiểm soát hàng hóa bán ra, từ đó, xác định được những loại sản phẩm phù hợp với thị hiếu của khách hàng tại địa phương. Đối với các sản phẩm mới, được đánh giá sẽ có nhu cầu tiêu dùng, cửa hàng nhập số lượng nhỏ, thăm dò nhu cầu cụ thể… rồi mới nhân rộng. Ngoài bán trực tiếp, cửa hàng còn đẩy mạnh bán online, với nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn…”.
Khảo sát của cơ quan chuyên môn cho thấy, nhu cầu của người tiêu dùng về sử dụng sản phẩm OCOP, nhất là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống là rất lớn. Do đó, nếu có chiến lược kinh doanh, lựa chọn, quảng bá hàng hóa phù hợp thì những cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và các sản phẩm vùng miền vẫn có nhiều “dư địa” để phát triển.
Ông Phan Xuân Hùng, tổ trưởng tổ quản lý Chương trình OCOP, thuộc Văn phòng Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh, cho biết: Xây dựng và phát triển các cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP nhằm đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, quy trình sản xuất chất lượng sản phẩm OCOP và đặc sản của tỉnh đến khách hàng, góp phần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận của người tiêu dùng đối với việc sử dụng sản phẩm. Đồng thời, công tác này cũng tạo động lực phát huy sự sáng tạo cho các doanh nghiệp, HTX và người dân, làm nên niềm tự hào về đặc sản vùng miền, quê hương. Với hệ thống cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP hiện có, việc tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh được kỳ vọng sẽ có nhiều đột phá. Tuy nhiên, để vận hành, phát huy được những lợi thế của các cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm OCOP đòi hỏi các chủ cửa hàng phải năng động, linh hoạt ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, tiếp thị và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với các chủ thể sản xuất theo các chuỗi giá trị để giảm chi phí phân phối, tăng lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh.
Bài và ảnh: Lê Hòa