Vài năm trước, gia đình ông Lê Văn Hùng, ở xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa bắt đầu làm kinh tế trang trại với nguồn vốn chủ yếu được vay từ quỹ tín dụng nhân dân tại địa phương. Từ nguồn vốn vay ban đầu vài chục triệu đồng, sau nhiều lần đầu tư, mở rộng sản xuất, đến nay, trang trại của gia đình ông có 400 con thỏ, hàng chục con lợn thịt, hàng trăm con gia cầm các loại. Ngoài ra, gia đình còn phát triển thêm diện tích trồng dưa chuột, ớt xuất khẩu. Mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Ông Lê Văn Hùng, thôn Sỹ Nhân, xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trước đây, tôi vay hơn 300 triệu, nay còn 250 triệu. Tôi cũng đang cố gắng đề nghị bên quỹ tín dụng cho vay thêm để mở rộng thị trường, nuôi thỏ, chăn nuôi thêm lợn, làm cây màu. Tôi có 1,2 mẫu diện tích đất cao, làm nhiều năm nên có kinh nghiệm, vì vậy, tôi muốn đầu tư để kiếm thêm lợi nhuận”.
Thanh Hóa hiện có 67 quỹ tín dụng nhân dân, hoạt động trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố, với tổng số thành viên tham gia gần 117 nghìn người; tổng nguồn vốn đạt trên 8.600 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt 6.200 tỷ đồng. Chất lượng tín dụng của các quỹ cơ bản bảo đảm, tỷ lệ nợ xấu trong giới hạn cho phép, chiếm 0,4% tổng dư nợ cho vay.
Cùng với việc huy động vốn hiệu quả, các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn tỉnh đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế của địa phương để thực hiện cho vay đúng đối tượng, hỗ trợ người dân phát triển các mô hình kinh tế, nâng cao đời sống, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới.
Cùng với nâng cao năng lực tài chính theo hướng tăng vốn điều lệ, thu hút thêm thành viên mới trên cơ sở gắn kết giữa mở rộng nguồn vốn với hỗ trợ thành viên vay, các quỹ tín dụng Nhân dân cũng chú trọng đào tạo nâng cao năng lực quản trị, điều hành, cơ cấu lại hệ thống, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu trong ngưỡng an toàn, tăng hiệu quả hoạt động tương trợ trong cộng đồng thành viên, bảo đảm huy động vốn, cho vay nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Chúng tôi triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền khẳng định uy tín, vị thế của quỹ tín dụng để nhân dân, thành viên tiếp tục tin tưởng mô hình hoạt động, mục tiêu, mục đích hoạt động của quỹ. Đối với trách nhiệm trong công tác quản trị, điều hành và kiểm soát, chúng tôi vừa tiếp cận, tiếp nhận và nâng cao năng lực”.
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của hệ thống quỹ tín dụng Nhân dân nhằm bảo đảm an toàn, củng cố vững chắc hệ thống quỹ. Đồng thời, chỉ đạo các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở triển khai các giải pháp tăng cường năng lực tài chính, kiểm soát nội bộ, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh xử lý nợ xấu và tăng trưởng tín dụng đi kèm với tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng. Hệ thống quỹ tín dụng chủ động tiết giảm chi phí hoạt động, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với thành viên trong quá trình phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: Bản tin Thanh Hoá ngày mới 05/04/2024