Từ nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Như Thanh đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Công ty TNHH Nông sản Đại Phát ở Cụm Công nghiệp xã Xuân Khang được vay vốn của Agribank Như Thanh mở rộng sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Để tạo điều kiện cho người dân vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Như Thanh (Agribank Như Thanh) đã chủ động giao cán bộ tín dụng tiếp cận, khai thác khách hàng là hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả; ưu tiên cấp vốn tín dụng cho các đối tượng khách hàng khu vực nông thôn; quan tâm đến nhóm khách hàng vay vốn theo các chương trình trọng điểm của tỉnh, như: Vay vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tích cực phối hợp với các cơ sở, tổ chức hội, đoàn thể thực hiện tốt việc huy động và nguồn vốn cho vay đối với các hộ gia đình, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Từ nguồn vốn vay đã góp phần đưa hoạt động dịch vụ nông nghiệp tại các xã được mở rộng, phát huy tối đa hiệu quả trong việc đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa có giá trị cao. Tính đến tháng 7-2023, tổng nguồn vốn huy động của đơn vị đạt hơn 832 tỷ đồng, tổng dư nợ hơn 1.216 tỷ đồng, với hơn 7.342 khách hàng đang vay vốn. Trong quá trình làm hồ sơ thủ tục, cán bộ tín dụng và tổ trưởng tổ vay vốn của các tổ chức hội, đoàn thể đã hướng dẫn tận tình cho các hộ được vay, thời gian thẩm định hồ sơ và giải ngân nhanh chóng. Nhiều gia đình đã thoát nghèo nhờ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích; nhiều hộ đầu tư phát triển kinh tế hiệu quả có thu nhập từ 150 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm.
Là khách hàng gắn bó với Agribank Như Thanh nhiều năm thông qua việc gửi tiền tiết kiệm và vay vốn để xây dựng các nhà máy sản xuất dăm gỗ xuất khẩu và ván ép phủ phim, anh Vũ Đăng Bắc, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Đại Phát có địa chỉ tại Cụm Công nghiệp xã Xuân Khang, cho biết: Từ những ngày đầu khởi nghiệp, anh đã được Agribank tạo điều kiện cho vay vốn. Khi có nhu cầu về vốn, anh đều được cán bộ Agribank Như Thanh tư vấn, hướng dẫn làm các thủ tục vay vốn kịp thời. Thời gian qua, gia đình anh cũng được Agribank Như Thanh hỗ trợ giảm lãi suất cho vay, giảm bớt khó khăn khi thị trường biến động. Hiện nay anh được ngân hàng cho vay 10 tỷ đồng xây dựng 3 dây chuyền sản xuất ván ép, 2 dây chuyền băm dăm, 2 dây chuyền bóc ván… Doanh thu của doanh nghiệp đạt hơn 100 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho gần 100 lao động với thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng/tháng.
Chúng tôi tới thăm mô hình sản xuất của gia đình ông Trần Văn Phượng, xã Cán Khê, được biết: thông qua tổ vay vốn của Hội Nông dân, ông được Agribank Như Thanh cho vay 200 triệu đồng để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, gia đình ông Phượng đã đầu tư nuôi trâu, bò, trồng keo. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi gần 100 triệu đồng.
Để tăng cường đầu tư vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân hiệu quả, Agribank Như Thanh đã xây dựng kế hoạch phát triển theo các chương trình, dự án nông nghiệp, nông thôn trọng điểm, XDNTM; chú trọng mở rộng đối tượng cho vay, đơn giản tối đa hồ sơ thủ tục vay, áp dụng linh hoạt các biện pháp bảo đảm tiền vay theo Nghị định 55 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ tiện ích, như: Mobile Banking, BankPluss, M-Pluss; dịch vụ thẻ ATM… Triển khai mạnh các giải pháp thúc đẩy phát triển sản phẩm dịch vụ phù hợp với tình hình hoạt động tại địa phương. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, tiếp cận các tổ chức, cá nhân để phát hành thẻ, mở tài khoản thanh toán, triển khai các dịch vụ tại địa bàn nông thôn…
Ông Nguyễn Việt Anh, Giám đốc Agribank Như Thanh, cho biết: Thời gian tới, ngân hàng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị phần, phát triển khách hàng, đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, rà soát, củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng. Đồng thời, tập trung đổi mới phong cách giao dịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tạo không gian giao dịch thân thiện; tổ chức phân loại khách hàng truyền thống để có biện pháp chăm sóc phù hợp; tuyên truyền, tiếp thị những khách hàng có tiềm năng tham gia gửi tiền tiết kiệm theo đúng quy định. Thực hiện tốt công tác chăm sóc khách hàng đang có quan hệ tín dụng với chi nhánh để tạo dựng uy tín, mở rộng thị phần và phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Bài và ảnh: Minh Hà