Hạc Thành xưa – TP Thanh Hóa hôm nay luôn giữ vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục – đào tạo, y tế, thể thao của xứ Thanh. Nhằm đưa vùng đất Hạc Thành phát triển lên tầm cao mới, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố đã đoàn kết, đồng lòng triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh về xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa.
Diện mạo TP Thanh Hóa đang đổi thay từng ngày.
Theo dòng chảy lịch sử của 219 năm (1804-2023) hình thành và phát triển, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và thiên nhiên kỳ vĩ này đã có những bước tiến mạnh mẽ, kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao, dáng vóc đô thị hiện đại, thông minh, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, để nâng tầm “Thành phố bên bờ sông Mã”, ngày 25/10/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển TP Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết đã xác định rõ đường hướng xây dựng, phát triển TP Thanh Hóa là phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước, một động lực góp phần quan trọng đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc. Đến năm 2045, TP Thanh Hóa là thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu của cả nước. Ngay sau đó, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 303/NQ-HĐND về “Thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Thanh Hóa”. Theo tinh thần của nghị quyết, thành phố được hưởng 100% khoản thu từ 19 dự án khai thác quỹ đất, với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, để đầu tư xây dựng 11 công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Cơ chế, chính sách ấy của tỉnh như “cú huých” tạo động lực mới cho kinh tế – xã hội TP Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới.
Cụ thể hóa Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 303/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thanh Hóa, Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa đã xây dựng chương trình hành động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trong tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo UBND thành phố rà soát, xây dựng kế hoạch đấu giá, đấu thầu các dự án sử dụng đất, nhằm tạo nguồn kinh phí đối ứng để triển khai các dự án trọng điểm. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 7 dự án thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó có 4 dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB), đầu tư hạ tầng và dự kiến tiến hành đấu giá vào quý 4 năm 2023, với kinh phí thu được khoảng 1.100 tỷ đồng; 3 dự án còn lại đang triển khai GPMB và đầu tư hạ tầng, dự kiến tiến hành đấu giá trong năm 2024. Đồng thời có 2 dự án đấu thầu dự án sử dụng đất đang triển khai thực hiện gồm: Khu đô thị mới xã Hoằng Quang và phường Long Anh đã hoàn thành GPMB 99%; khu đô thị Tây Nam Đại lộ Nam sông Mã đã GPMB được 30%.
Song song với đó, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án theo cơ chế, chính sách đặc thù cũng được TP Thanh Hóa quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Đến nay, dự án khu trung tâm văn hóa tỉnh Thanh Hóa đang triển khai thực hiện và 6 dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư. Trong đó, các dự án mở rộng Đại lộ Lê Lợi đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống và xây dựng Cung Văn hóa Thiếu nhi và Trung tâm Thể dục – Thể thao thành phố đã được phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; 4 dự án: xây dựng TP Thanh Hóa đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh, xây dựng cầu vượt đường sắt Bắc – Nam, cải tạo nâng cấp Công viên Hội An, mở rộng Đại lộ Đông Tây giai đoạn 2 nối với nút giao Đông Xuân đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, thành phố đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tạn, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù của HĐND tỉnh. Đó là tiến độ triển khai thực hiện các dự án theo cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Thanh Hóa còn chậm, nhất là tiến độ GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Một số dự án đã được HĐND thành phố quyết nghị chủ trương đầu tư nhưng chưa hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư. Từ việc nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế, TP Thanh Hóa đã thống nhất đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết số 303/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thanh Hóa. Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP Thanh Hóa tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho lãnh đạo thành phố và các cơ quan, đơn vị chức năng, gắn với thời gian hoàn thành các dự án theo Nghị quyết 303/2022/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Trong đó, năm 2024, hoàn thiện các thủ tục đầu tư, khởi công các dự án xây dựng Cung Văn hóa Thiếu nhi; nâng cấp, mở rộng Đại lộ Lê Lợi đoạn từ ngã tư Phú Sơn đến cầu Đống; cải tạo, nâng cấp Công viên Hội An; Đại lộ Nam sông Mã giai đoạn 2; cầu vượt đường sắt Bắc – Nam; mở rộng Đại lộ Đông Tây giai đoạn 2, nối với nút giao Đông Xuân và triển khai dự án xây dựng TP Thanh Hóa đến năm 2025 trở thành đô thị thông minh.
Để các dự án được triển khai đúng tiến độ, thành phố đẩy nhanh tiến độ GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đấu giá quyền sử dụng đất các dự án; đôn đốc các nhà đầu tư nhận bàn giao đất đối với các dự án đấu thầu sử dụng đất đã hoàn thành GPMB, để tính tiền sử dụng đất, tạo nguồn kinh phí triển khai các dự án theo kế hoạch đề ra. Cùng với việc tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, thành phố tiếp tục chỉ đạo giải quyết triệt để các dự án chậm tiến độ, kéo dài. Trong đó, ưu tiên giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc trong GPMB khu đô thị mới ven sông Hạc; dự án tiêu úng Đông Sơn; tranh chấp tại động Tiên Sơn; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại 9 mặt bằng quy hoạch trên địa bàn thành phố…
Với khát vọng vươn lên, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố đã và đang triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù theo tinh thần Nghị quyết số 303/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thanh Hóa. Qua đó, từng bước hiện thực hóa mục tiêu nâng tầm “TP Thanh Hóa là thành phố giàu đẹp, văn minh, hiện đại, kiểu mẫu của cả nước”.
Bài và ảnh: Hòa Bình