Thanh Hóa được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cái “nôi” sản sinh ra nhiều tác giả, tác phẩm, công trình nghệ thuật có tầm ảnh hưởng sâu rộng bởi những giá trị tư tưởng cao đẹp và giá trị văn học, nghệ thuật đặc sắc…
Trò diễn Xuân Phả – nét văn hóa độc đáo xứ Thanh.
Quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật tại Thanh Hóa có những tiến bộ vượt bậc. Các hoạt động sáng tạo, nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đều có chuyển biến tích cực. Các tác phẩm, ấn phẩm văn học, nghệ thuật ngày càng tăng về số lượng, đa dạng, phong phú về loại hình, nâng cao về chất lượng. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật, như: Tác phẩm “Vùng trời thủng” của cố nhà văn Kiều Vượng; tập truyện ngắn “Mối tình chàng Lung Mù” của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh; cụm tác phẩm “Những bài ca đám cưới người Mường Thanh Hóa”, “Nàng Út Lót Đạo Hồi Liêu”, “Lễ Pôồn Êng Tráng” của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải; Trường ca “Lê Lợi mài gươm”, “Mạch đất hồn trống đồng”, “Hát nơi cửa sóng” của nhà văn Nguyễn Minh Khiêm… đã khẳng định sự nỗ lực không ngừng trong lao động sáng tạo nghệ thuật của các văn nghệ sĩ, đồng thời góp phần tôn vinh những giá trị tinh thần, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Thanh. Công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn học, nghệ thuật các dân tộc được chú trọng; trong 15 năm, đã có 14 di sản văn hóa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Các hoạt động nghệ thuật biểu diễn sân khấu, sáng tác âm nhạc, hoạt động điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm được tổ chức phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và giải trí của Nhân dân, phục vụ đắc lực các sự kiện chính trị của tỉnh và các địa phương. Công tác tôn vinh, khen thưởng các văn nghệ sĩ, nghệ nhân có tác phẩm xuất sắc, có nhiều cống hiến cho nền văn học, nghệ thuật được quan tâm thực hiện kịp thời. Đến nay, đã có 7 văn nghệ sĩ được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, đó là: Cố nhà thơ Nguyễn Minh Hiệu, cố nhà văn Kiều Vượng, cố nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hoàng Anh Nhân, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Vương Túc, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Cao Sơn Hải, nhà văn Từ Nguyên Tĩnh, nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Hải. Bên cạnh đó, đã có 7 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ Nhân dân, 41 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú; 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân Nhân dân, 62 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Công tác giao lưu và hợp tác quốc tế về văn học, nghệ thuật được đẩy mạnh.
Đại hội XIII của Đảng đã quyết định đường lối phát triển đất nước trong thời kỳ mới – thời kỳ đổi mới toàn diện và đồng bộ đất nước theo định hướng XHCN. Một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt trong thời kỳ mới này được Đảng ta xác định đó là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam… Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”. Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 cũng đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là “Phát triển mạnh văn hóa, thể thao, tạo nền tảng để Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn về văn hóa, thể thao của khu vực và cả nước”; Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã chỉ rõ “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thanh Hóa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh và đất nước”.
Để thực hiện được mục tiêu trên, trong thời gian qua, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã tập trung đẩy mạnh nhiều phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn tỉnh, đã có sức lan tỏa sâu rộng, thực sự đi vào cuộc sống và trở thành phong trào rộng khắp, như: Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng NTM”; “Chung tay vì người nghèo – không ai bị bỏ lại phía sau”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…
Trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị xác định công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của địa phương, đơn vị; coi văn học, nghệ thuật là nguồn lực, là sức mạnh nội sinh góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Trong đó, tiếp tục cải thiện môi trường sáng tạo, môi trường làm nghề của văn nghệ sĩ; tôn trọng quyền tự do sáng tạo của văn nghệ sĩ trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để góp phần phát huy tiềm năng, tinh thần cống hiến và trách nhiệm công dân của đội ngũ văn nghệ sĩ. Chú trọng làm tốt 3 khâu: sáng tác – công bố tác phẩm – phát hành; mở rộng các hình thức công bố tác phẩm, đưa tác phẩm đến với công chúng, nhất là trong trường học, các cơ quan, các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh… Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố kiện toàn tổ chức Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh vững mạnh toàn diện. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ; thường xuyên có kế hoạch bồi dưỡng lý luận, giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng sáng tác cho đội ngũ văn nghệ sĩ trực tiếp sáng tác; khuyến khích, động viên đội ngũ sáng tác bám sát thực tiễn đời sống xã hội để có những tác phẩm văn học, nghệ thuật mang đậm nét văn học, phản ánh hơi thở của cuộc sống.
Bài và ảnh: Minh Hiếu