“Muốn giành chủ động phải chiếm đóng Điện Biên Phủ”, với dã tâm đó, thực dân Pháp đã quyết xây dựng Điện Biên Phủ trở thành “Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương” – một pháo đài bất khả xâm phạm, hòng đè bẹp ý chí chiến đấu của quân và dân ta.
Cứ điểm đồi A1 (mô hình được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ).
Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn ở phía Tây vùng rừng núi Tây Bắc. Theo đánh giá của nhiều nhà quân sự Pháp, thì Điện Biên Phủ “là một vị trí chiến lược quan trọng chẳng những đối với chiến trường Đông Dương, mà còn đối với miền Đông Nam Á – một trục giao thông nối liền các miền biên giới Lào, Thái Lan, Miến Điện và Trung Quốc”. Đó là “một cái chìa khóa để bảo vệ Thượng Lào”, một “bàn xoay” có thể xoay đi bốn phía Việt Nam, Lào, Miến Điện, Trung Quốc. Điện Biên Phủ lại là một cánh đồng rộng lớn nhất, đông dân và giàu có nhất vùng Tây Bắc. “Lúa gạo của vùng này có thể nuôi sống từ 20.000 đến 25.000 người trong nhiều tháng”. Từ Điện Biên Phủ, quân Pháp “có thể bảo vệ được Lào, rồi từ đó đánh chiếm lại các vùng đã mất ở Tây Bắc trong năm 1952-1953 và tạo điều kiện thuận lợi để tiêu diệt các sư đoàn chủ lực của đối phương nếu họ đến đấy”.
Nắm rõ vị trí quan trọng của Điện Biên Phủ, ngày 20/11/1953, Na-va, Tổng chỉ huy các lực lượng quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương (từ tháng 5/1953) đã quyết định mở cuộc hành quân Ca-xto nhảy dù chiếm đóng Điện Biên Phủ. Sau khi thả 6 tiểu đoàn cơ động cùng một khối lượng lớn đạn dược, lương thực và các thiết bị chiến tranh xuống Điện Biên Phủ, quân Pháp bắt tay ngay vào việc xây dựng cấu trúc trận địa và tiến hành các hoạt động tiến công để mở tuyến giao thông đường bộ nối Điện Biên Phủ với Lai Châu và Luông Pha Băng (Lào).
Ngày 25/11/1953, Bộ Chỉ huy Pháp nhận được báo cáo của Phòng nhì về việc các Đại đoàn 308, 312 và 315 tiến quân lên Tây Bắc. Thay vì tổ chức các cuộc hành quân tập kích chớp nhoáng để giữ chân chủ lực của ta lại; Na-va cho rằng, chủ lực ta lúc này thực tế vẫn chưa có khả năng đánh diệt các tập đoàn cứ điểm như Nà Sản và việc chiếm đóng Điện Biên Phủ, tổ chức xây dựng ở đó một tập đoàn cứ điểm mạnh là hoàn toàn chính xác. Còn nếu chủ lực đối phương dám liều lĩnh kéo lên đây, thì quân viễn chinh Pháp cần tương kế tựu kế, biến Điện Biên Phủ thành một pháo đài vững chắc, vừa là một cái chốt, vừa là “một cái bẫy hay một cái máy nghiền, sẵn sàng nghiền nát các sư đoàn thép của đối phương, đồng thời, lại vẫn bảo vệ được nước Lào”, ngăn chặn được các cuộc tiến công lớn của chủ lực đối phương vào cái “đồng bằng có ích”.
Sau khi thị sát tại chỗ (Điện Biên Phủ – PV) và cho thẩm tra lại khá kỹ càng những tin tức tình báo về các hướng tiến công của chủ lực đối phương trong Đông – Xuân 1953-1954, Na-va quyết định chấp nhận giao chiến với ta ở Điện Biên Phủ. Trong bản chỉ thị (ngày 3/12/1953) gửi Cô-nhi, Tư lệnh chiến trường Bắc kỳ, Na-va giao nhiệm vụ cho Bộ Chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Bắc bộ phải bảo vệ Điện Biên Phủ bằng bất cứ giá nào và đưa thêm lực lượng lên tăng cường phòng ngự, xây dựng Điện Biên Phủ thành một “pháo đài bất khả xâm phạm”, một cứ điểm mạnh hơn cả Nà Sản. Cụ thể, cần thả dù thêm 3 tiểu đoàn cơ động ứng chiến, đưa lực lượng phòng giữ Điện Biên Phủ từ 6 tiểu đoàn lên 9 tiểu đoàn bộ binh và khoảng 3 tiểu đoàn pháo. Đối với các đơn vị đồn trú ở Lai Châu thì có thể duy trì nếu điều kiện cho phép, hoặc có thể co về tăng cường cho Điện Biên Phủ. Ngày 5/12/1953, các đơn vị nhảy dù xuống Điện Biên Phủ được chuyển thành binh đoàn tác chiến Tây Bắc, gọi tắt là GONO (Groupement Opérationnel du Nord Ouest). Vài ngày sau đó, chỉ thị tăng cường thêm 3 tiểu đoàn cho Điện Biên Phủ của Na-va cũng đã được thực hiện.
Cho tới trước ngày quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ, tập đoàn cứ điểm này đã được tăng cường 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải có khoảng 200 chiếc và phi đội không quân thường trực có 14 chiếc. Tổng số binh lực là 16.200 tên. Với lực lượng mạnh, địch đã bố trí một hệ thống phòng ngự dày đặc lên tới 49 cứ điểm, tổ chức thành 8 cụm, mỗi cụm là một hệ thống hỏa lực nhiều tầng, bao gồm: Ga-bri-en (đồi Độc Lập), Bê-a-tơ-ri-xơ (Him Lam); An-nơ Ma-ri (các cứ điểm ở Tây Bắc sân bay như Bản Kéo, Căng Na…); Huy-ghét (cụm cứ điểm Tây Sân bay Mường Thanh, hữu ngạn sông Nậm Rốm); Clô-đin (cụm cứ điểm Nam Sân bay Mường Thanh, hữu ngạn sông Nậm Rốm); E-li-an (cụm cứ điểm phía Đông, tả ngạn sông Nậm Rốm, khu vực Sở Chỉ huy của Đờ-cát); Đô-mi-ních (cụm cứ điểm Đông sân bay, tả ngạn sông Nậm Rốm); I-da-ben (Hồng Cúm).
Tám cụm cứ điểm này lại được tổ chức thành 3 bộ phận lớn: Bộ phận thứ nhất là một trận địa trung tâm, gồm 5 cứ điểm đặt ngay giữa Mường Thanh (châu lỵ Điện Biên Phủ). Đây là bộ phận quan trọng nhất, có nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Sân bay Mường Thanh – “trái tim” và là “cái dạ dày” của tập đoàn cứ điểm. Đờ-cát đã tập trung ở đây tới 2/3 lực lượng, riêng bộ binh đã có tới 8 tiểu đoàn. Bộ phận thứ hai gồm 2 cụm cứ điểm nằm cách trận địa trung tâm khoảng 2 – 3km về phía Bắc và Đông Bắc, có nhiệm vụ bảo vệ trận địa trung tâm trên những hướng nguy hiểm nhất và mở rộng vùng trời an toàn trên Sân bay Mường Thanh. Bộ phận thứ 3 nằm cách 7km về phía Nam, bao gồm cụm cứ điểm I-da-ben có sân bay dự bị và được tổ chức thành một căn cứ pháo binh để chi viện cho trận địa trung tâm trong tác chiến phòng ngự. Ngoài ra địch còn tổ chức một đội dự bị mạnh gồm 3 tiểu đoàn bộ binh và 1 đại đội xe tăng làm nhiệm vụ cơ động tác chiến và được phân phối giữa trận địa trung tâm và cụm cứ điểm phía Nam (I-da-ben).
Hầm chỉ huy của GONO được xây đắp khá kiên cố bảo đảm chịu được đạn cối 120 ly. Mỗi cứ điểm đều có những tuyến chiến hào lượn quanh và giao thông hào nối liền các hầm chỉ huy, hầm đạn, hầm ngủ với nhau. Hai bên thành giao thông hào có nhiễu hàm ếch để tránh pháo. Các ụ súng đều được đắp dày ba mét, ở trên phủ những tấm sắt. Xung quanh mỗi cứ điểm đều có nhiều lớp rào dây thép gai vây bọc, dày từ 50 – 75 mét. Ở những hướng quan trọng, bề rộng của hàng rào dây thép gai từ 100 đến 200 mét. Lẫn vào các hàng rào và nằm giữa các hàng rào dây thép gai là các bãi mìn dày đặc… Chưa hết, để tăng cường hỏa lực cho tập đoàn cứ điểm, địch có thể huy động lực lượng không quân tại chỗ hoặc từ dưới miền đồng bằng lên chi viện trực tiếp cho Điện Biên Phủ, hoặc chi viện gián tiếp bằng cách oanh tạc các trục đường tiếp tế, hệ thống kho tàng và các lực lượng phía sau của ta. Ngoài ra, Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có gần 50 khẩu pháo lớn, bố trí thành 2 căn cứ Mường Thanh và Hồng Cúm. Các trận địa pháo này có thể phát huy hỏa lực chi viện cho tất cả các cứ điểm trong Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đặc biệt, địch còn trang bị thêm cho binh lính một số vũ khí mới như súng phun lửa, súng dùng hồng ngoại tuyến để bắn đêm không cần đèn và các phương tiện chống đạn khói…
Với lực lượng mạnh, vũ khí hiện đại và hệ thống công sự vững chắc, Điện Biên Phủ trở thành “Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất ở Đông Dương”. Thế nhưng, trong cuốn “Tướng Na-va với trận Điện Biên Phủ”, tác giả Jean Pouget đã thừa nhận rằng: “Dĩ nhiên, không một vị trí phòng ngự nào có thể có được giá trị tuyệt đối. Không một vị trí phòng ngự nào có thể đứng vững nếu đối phương quyết định đánh chiếm bằng mọi giá. Các chiến lũy Maginot của Pháp và Siegfried của Đức đều đã bị chọc thủng trong chiến tranh thế giới thứ hai; bức tường châu Âu của NATO và Vạn lý trường thành của Trung Quốc cũng có thể sụp đổ nếu chiến tranh xảy ra”.
Và thực tế đã chứng minh, “chiếc bẫy khổng lồ” Điện Biên Phủ đã biến thành “mồ chôn” tư tưởng bành trướng, cường quyền và là nơi “chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã”!
Bài và ảnh: Khôi Nguyên
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Điện Biên Phủ mốc son thời đại” – NXB Thông tin và Truyền thông).