Luồng Thanh Hóa từ vị trí số 1 về chất lượng, từng đi muôn nơi góp phần xây cất những ngôi nhà, rồi đưa ra tận các chiến trường phục vụ kháng chiến. Luồng còn được coi là cây trồng đặc hữu của xứ Thanh, vinh dự được trồng quanh lăng Bác. Thế nhưng nhiều năm gần đây, tại hầu khắp các vùng chuyên canh, cây trồng bản địa này có giá trị rẻ mạt, được bán theo cân, bị coi ngang với gỗ keo, gỗ tạp để băm dăm làm nguyên liệu giấy, vàng mã…
Vận chuyển luồng dọc các sông và suối ở huyện Quan Hóa vẫn còn phổ biến. Ảnh: Lê Đồng
Sống chết với luồng
Sắp bước sang tuổi 76, tuy sức khỏe ngày càng yếu đi, nhưng Anh hùng Lao động Hà Văn Dân ở thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) lại tỏ ra rạng ngời khi kể chuyện chinh phục sông Mã, chở hàng trăm bè luồng phục vụ cách mạng. Từ năm 1964, người thanh niên dân tộc Thái vạm vỡ Hà Văn Dân được một đơn vị lâm nghiệp tại huyện Quan Hóa nhận vào làm việc. Đây cũng là thời điểm ác liệt trong kháng chiến chống Mỹ. Luồng từ khu vực phía Tây xứ Thanh được điều động đưa ra chiến trường để xây dựng công sự, làm hầm, dựng lán. Tại các hậu phương, luồng được chuyển làm cầu phao dã chiến, cầu tạm để giữ huyết mạch giao thông. Hằng ngày, ông Dân cùng các cán bộ lâm nghiệp thu gom luồng tập kết tại bến Hồi Xuân, đóng thành bè từ 500 đến 600 cây rồi vận chuyển xuôi sông Mã. Đây là cung đường thủy vô cùng gian nan và nguy hiểm bởi đoạn sông từ Quan Hóa đến Cẩm Thủy với nhiều khúc cua, dòng nước đưa bè thẳng vào các vách đá. Qua Vực Tôm, Ngốc Cùng, Ghềnh Cả, Ghềnh Long, Vực Cửa Hà…, dòng sông như con ngựa bất kham, sơ sẩy là tan bè, chết người.
“Trong nhiều năm kháng chiến, tôi cùng đồng đội đã đưa cả trăm bè luồng về xuôi. Nhiều bè tới 12 khối luồng, chỉ 2 đến 3 người điều khiển. Vào mùa lũ năm 1965, một bè luồng đang neo thì bị đứt dây, tôi cùng anh em nhảy xuống sông bơi theo. Khi lên được thì bè mất trụ chèo, không có điểm tựa để mái chèo điều khiển. Tôi nhảy xuống bám ghì vào bè làm trụ, anh em lấy vai và cổ tôi làm điểm tựa chống chèo để điều khiển bè. Cổ tôi vô cùng đau rát, ứa máu nhưng tôi phải cố gắng vì luồng là tài sản Nhà nước, phục vụ cách mạng” – Anh hùng, thương binh Hà Văn Dân, hồi tưởng.
Rồi vào năm 1966, khi ông Hà Văn Dân đang điều khiển bè luồng, bị máy bay địch ném bom, bè tan. Ông Dân bị sức ép bom hất lên bờ và ngất đi. Tuy bị vỡ xương hàm và gãy 12 chiếc răng, nhưng sau 6 tháng dưỡng thương, ông lại tiếp tục công việc. Với những cống hiến và tinh thần anh dũng, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho thương binh Hà Văn Dân vào năm 1973.
Ở một nơi khác được coi là thâm sơn cùng cốc của huyện vùng biên Mường Lát, các bản Tà Cóm, Cò Cài, Cá Ráng, Pá Búa của xã Trung Lý đều cách trung tâm xã và các tuyến giao thông lớn hàng chục cây số đường rừng. Tuy nhiên, đồng bào địa phương vẫn lấy luồng là cây trồng chính để mưu sinh. Từ nhiều đời nay, quanh dãy núi Pù Dàu hùng vĩ và khu đồi Pom Bước, cây luồng vẫn phủ màu xanh. Trước đây, nhiều bản quá hẻo lánh và khó khăn về giao thông nên không xe tải nào vào thu mua, đồng bào phải đóng luồng thành bè xuôi theo sông Mã, đưa về Co Lương thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình để bán. Ngày nay, Công trình Thủy điện Trung Sơn đã chặn dòng sông Mã, nhưng những câu chuyện sống chết vì cây luồng ở bản Cò Cài thì vẫn hằn nguyên trong trí nhớ của những người trong cuộc.
Từ nhiều năm trước, các ông Ngân Văn Nhuần, Ngân Văn Mạnh còn đứng ra thu mua luồng của bà con trong bản để đóng bè xuôi sông Mã. Với những người thường xuyên vận chuyển luồng bằng đường thủy ở Cò Cài, thác Kít trên sông Mã đoạn qua bản Piềng Kít của xã Mường Lý là nguy hiểm nhất. Nơi đây là khúc cua, lại nhỏ hẹp nên nước chảy mạnh. Bên triền sông lại là vách đá, nếu không có kinh nghiệm là va vào đá vỡ tan bè. Một trong những lần phụ giúp người nhà đưa bè luồng qua đây, bè va vách đá, bà Vi Thị Nhon đã bị nước cuốn mất tích.
Bao giờ cho đến… ngày xưa
Luồng là cây trồng họ tre, phân bổ nhiều nhất là Thanh Hóa, chiếm khoảng 50% diện tích cả nước. Xếp sau Thanh Hóa còn có tỉnh Hòa Bình và một số địa phương dọc sông Mã thuộc khu vực Trung du miền núi phía Bắc. Khắp các huyện miền Tây của Thanh Hóa, đâu đâu cũng thấy màu xanh của cây luồng, đời sống người dân đa phần phụ thuộc vào luồng. Từ những vùng đất màu mỡ ven sông, bờ suối đến những nơi đồi cằn sỏi đá mà không nhiều loài cây sinh trưởng được, cây luồng vẫn đâm chồi non lộc biếc. Ở những triền dốc, quanh nhà, những rừng luồng còn có vai trò chống sạt lở, hạn chế thiệt hại của lũ ống, lũ quét. Có thể nói, luồng là cây giữ đất, giữ bản làng, gần gũi với người dân miền núi hơn bất cứ loài thực vật nào.
Về chất lượng luồng xứ Thanh thì không phải bàn cãi về vị trí số 1 vì thực tiễn đã chứng minh. Người nhiều nơi ở miền Bắc và miền Trung còn quen gọi cây luồng là “luồng Thanh Hóa” mà đôi khi không cần quan tâm nó đến từ đâu. Không chỉ ở miền núi, từ nhiều đời nay, luồng được đưa về xuôi để xây dựng nhà cửa. Vận chuyển luồng đã trở thành một nghề – nghề đi bè. Ông Lê Văn Oanh, 80 tuổi, người dân xã Hoằng Yến, huyện Hoằng Hóa – người từng lên miền thượng du thu mua luồng để đưa hàng chục chuyến về đồng bằng, chia sẻ: “Những năm 80 của thế kỷ trước, tôi cùng bố vợ và một số người dân địa phương lên các huyện miền núi thu mua luồng, đóng bè xuôi sông Mã. Luồng được gông thành bè nối nhau, mấu chốt là phải thông thạo đường sông. Khi về đến Ngã ba Đầu, chúng tôi lái về phía sông Lạch Trường, rồi đưa về bến đò Cầu Cách hoặc ra gần cửa biển. Trước đây nhà cửa đều được dùng luồng để lợp mái, ngư dân cũng đi biển bằng bè luồng nên nhu cầu ở địa phương rất lớn. Đi bè đã trở thành nghề của nhiều người dân, qua nhiều thế hệ”.
Nhiều sử liệu còn ghi lại, từ thời phong kiến đến Pháp thuộc, cây luồng xứ Thanh còn là mặt hàng chính đưa đi khắp vùng Đồng bằng Sông Hồng và nhiều tỉnh. Phố Đầm thuộc xã Xuân Thiên (Thọ Xuân) ngày nay cũng được hình thành từ một bến thương thuyền tập kết luồng và gỗ từ hàng trăm năm trước. Trong cuốn sách “Lịch sử xã Xuân Thiên” cũng ghi nhận: “Sông Chu là đường thủy thuận tiện và quan trọng trong những năm đầu thế kỷ 20 trở về trước. Từ bến thuyền Đầm trên sông Chu có thể tập kết hàng từ miền núi về (…), tất cả các mặt hàng lâm, thổ sản được giao lưu buôn bán lấy khu vực này làm trung tâm, do đó đã hình thành khu chợ Đầm nổi tiếng. Từ năm 1838, đời vua Minh Mạng thứ 18, do nhu cầu giao thương phát triển, Nhân dân đã mở chợ gọi là chợ Đầm. Buôn bán ngày càng phát triển, thuyền bè xuôi ngược đều neo đậu ở đây (…). Các nghề buôn bán dịch vụ, chuyên chở đường bộ, đường sông ngày càng phát triển, cảnh người mua, người bán tấp nập, từ bến sông lên đến Phố Đầm, tạo nên cảnh trên bến dưới thuyền, rất sôi động thời bấy giờ”.
“Dòng sông Chu đã được người dân xã Xuân Thiên phát huy lợi thế khai thác, làm nghề sơn tràng, mua bán lâm thổ sản ra Bắc vào Nam, một số hộ buôn mắm, hải sản về bán, đổi lấy các loại hàng hóa của núi rừng đem về xuôi (…). Từ năm 1907, số doanh thương ngày một nhiều lên. Hai bên đường nhà ở san sát, nhiều nhà 2 tầng kiến trúc Á, Âu được xây dựng, tạo nên bộ mặt phố phường đông đúc, từ đấy đã gọi là Phố Đầm. Tại đây, nghề buôn bè làm ăn phát đạt nhất. Bè đi ra Bắc vào Nam đã kéo theo một số nghề phụ như nghề chống bè thuê, bán cắng lạt, sào song… ra đời” – Sách “Lịch sử xã Xuân Thiên” ghi chép.
Cũng từ chất lượng và tính đặc trưng, luồng Thanh Hóa còn được lựa chọn trồng quanh lăng Bác, vừa mang ý nghĩa trường tồn, “đại diện” cho vùng miền để che mát cho đồng bào đến viếng thăm. Thông tin này cũng được các cán bộ xã Tân Phúc (Lang Chánh) khẳng định với chúng tôi. Để xác minh thêm, chúng tôi tìm về thôn Sơn Thủy cùng xã. Cụ Lê Ngọc Yền, người có 5 ha luồng, bày tỏ niềm tự hào: “Gia đình tôi có 30 bụi luồng từng được quân đội về đào đưa ra trồng quanh lăng Bác. Họ đào cả bầu và bấng cả bụi mang đi. Mấy năm trước tôi ra thăm, vẫn thấy nhiều bụi luồng trồng dọc đường khách tham quan đi bộ từ chỗ kiểm soát vé vào lăng. Gần đây, luồng của xã Tân Phúc còn được đem trồng tại Nghĩa trang Trường Sơn tại tỉnh Quảng Trị”.
Qua những câu chuyện trên, phần nào có thể thấy vị thế của luồng Thanh Hóa – không đơn thuần là cây lâm nghiệp lấy gỗ, mà còn mang yếu tố văn hóa, đại diện cho cả vùng miền trong tâm thức người Việt.
Rồi “phận” hẩm hiu rẻ mạt
Quan Hóa được coi là “thủ phủ” luồng xứ Thanh với chất lượng tốt, cây luồng ở đây thường phổng phao hơn nhiều nơi khác. Ông Hà Văn Mậu, cán bộ phụ trách lâm nghiệp thuộc Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: “Toàn huyện có gần 100.000 ha đất tự nhiên thì đã có 29.568 ha rừng luồng sản xuất và khoảng 7.000 ha luồng hỗn giao lẫn cây rừng do Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu quản lý. Những năm gần đây, người trồng luồng trong huyện khai thác khoảng 20 triệu cây luồng mỗi năm”. Tiềm năng là vậy, nhưng đầu ra của cây luồng ở đây thật… bẽ bàng.
Nhiều nhà máy chế biến thô sơ, băm dăm luồng vẫn hoạt động tại các huyện miền núi của Thanh Hóa. Ảnh: Linh Trường
Khảo sát tại nhiều xã trong huyện Quan Hóa, hiện luồng to, đẹp, dài hơn 10m, và già hơn 3 năm tuổi cũng chỉ bán được 10 đến 30 nghìn đồng mỗi cây. Đa phần luồng nhỏ còn lại, được bán… theo cân với giá 800 đến 900 đồng/kg. Nếu ở những vùng xa, trừ đi công thuê xe tải, thuê người kéo ra đường lớn thì giá luồng còn khoảng… 5 nghìn đồng mỗi cây. Với gần 100% số hộ trong huyện ít nhiều liên quan đến cây luồng, nhưng huyện Quan Hóa đang còn gần 2.500 hộ nghèo, chiếm khoảng 23% số hộ trong huyện, chưa kể số hộ cận nghèo còn lớn hơn nhiều. Con số đó cho thấy cây luồng có giá trị thế nào trong xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào nơi đây. Giá trị không thể cao bởi nguyên liệu luồng thiếu nhà máy chế biến tinh, mà đa phần là sản xuất đũa ăn một lần, băm dăm bán cho các nhà máy giấy và vàng mã.
Tại huyện Lang Chánh và các huyện miền núi thấp, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều hộ gia đình từng phá bỏ rừng luồng để chuyển thành các vườn cây ăn quả. Có khu vườn nằm ngay trên tuyến đường liên xã, nhưng anh Lê Văn Tuấn ở thôn Sơn Thủy, xã Tân Phúc (Lang Chánh) đã quyết định chặt bỏ gần 1 ha luồng của ông cha để lại. Theo anh, mỗi cây luồng chỉ được 20 nghìn đồng, 2 ha luồng không giúp gia đình giảm nghèo được nên đành phải thay thế bằng xoài và nhãn.
Từ nguyên nhân là giá trị cây luồng không cao nên đa phần người trồng luồng không hào hứng thâm canh, chăm bón. Một lãnh đạo UBND xã Tân Phúc (Lang Chánh) cũng thừa nhận: “Qua các dự án hỗ trợ của ngành nông nghiệp, năm 2022, xã tiến hành thâm canh, phục tráng được 15 ha, và năm 2023 đang phục tráng thêm 10 ha. Gần 2.500 ha luồng trên địa bàn xã vẫn quảng canh từ đời này qua đời khác, người dân hầu như không bón phân, không được phòng trừ sâu bệnh. Nhiều rừng luồng từ thời bao cấp đến nay vẫn khai thác mà chưa được thâm canh, phục tráng. Đa phần số hộ trong xã có luồng, nhưng nay địa phương vẫn còn 20,3% hộ nghèo và 32% hộ cận nghèo”.
Tại nhiều vùng luồng của tỉnh đang bị suy thoái, thoái hóa dẫn đến còi cọc và giảm dần chất lượng. Cũng vì giá trị thấp nên người trồng không đầu tư chăm bón, lại khai thác quá mức, khai thác luồng non dẫn đến điều này. Vòng luẩn quẩn ấy đang đe dọa đến chất lượng luồng, mà nỗ lực phục tráng của ngành nông nghiệp chưa thể khỏa lấp.
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, toàn tỉnh hiện có hơn 78 nghìn ha rừng tre luồng, trong đó phần lớn là luồng, mỗi năm cho thu hoạch 60 triệu cây và 80 nghìn tấn nguyên liệu khác, trong đó có sản phẩm băm dăm. Tuy có nhiều sản phẩm từ luồng được xuất khẩu, nhưng tỷ lệ rất nhỏ, nên người trồng luồng trong tỉnh chỉ có thu nhập bình quân gần 10 triệu đồng/ha/năm. Luồng Thanh Hóa còn được chế biến thành hàng chục sản phẩm rất phong phú. Từ vật liệu xây dựng, ván ép, tăm mành, đũa, đồ trang trí mỹ nghệ, sản xuất giấy, đến than hoạt tính, và cả chiết xuất làm thuốc.
Gần đây, một số nhà máy chế biến tre luồng hiện đại được đầu tư, điển hình là Công ty CP Bamboo King Vina tại huyện Lang Chánh đã đi vào hoạt động một phần, thu mua luồng với giá trị cao hơn cho người dân. Song, tỷ lệ luồng được chế biến tinh còn quá nhỏ so với nhu cầu thực tế. Kêu gọi thu hút thêm những cơ sở chế biến luồng hiện đại và có thêm những chính sách phát triển bền vững rừng luồng vẫn là điều mà lãnh đạo, người trồng luồng các địa phương miền núi mong chờ.
Ghi chép của Lê Đồng