Sáng 15-8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị triển khai phương án sản xuất vụ Đông năm 2023-2024.
Toàn cảnh hội nghị.
Phát triển vụ đông 2023-2024 được ngành nông nghiệp xác định là vụ sản xuất quan trọng đối với tăng trưởng của toàn ngành và năm tiếp theo. Theo đó, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng đạt 47.000 ha trở lên, trong đó: Cây ngô 14.000 ha, năng suất 48 tạ/ha, sản lượng 67.200 tấn; khoai lang 2.000 ha, năng suất 76 tạ/ha, sản lượng 15.200 tấn; cây lạc 1.300 ha, năng suất 21 tạ/ha, sản lượng 2.730 tấn; rau đậu các loại và cây trồng khác 29.700 ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.
Phấn đấu tổng giá trị sản xuất vụ đông đạt 3.525 tỷ đồng trở lên, bình quân đạt 75 triệu đồng/ha gieo trồng trở lên. Diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm vụ đông đạt 8.000-10.000 ha. Thu hút 25-30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trong vụ đông. Nhóm cây trồng chủ lực trong vụ đông gồm: Ngô, đậu tương, khoai tây, khoai lang, rau đậu các loại. Trong đó, cây ngô, cây rau được xem như cây chủ lực trong cả vụ đông; cây ngô phục vụ mục tiêu lấy hạt và sản xuất thức ăn xanh cho bò sữa, bò thịt, cây rau phục vụ cho tiêu thụ trong nước và chế biến, xuất khẩu tại một số thị trường truyền thống.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, phát biểu tại hội nghị.
Để đạt được mục tiêu đó, ngành nông nghiệp đã triển khai phương án sản xuất vụ đông năm 2023-2024, hướng dẫn cơ cấu thời vụ, cơ cấu giống làm cơ sở cho các địa phương triển khai đến các xã, thị trấn và thôn bản. Tổ chức giới thiệu các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao để các địa phương có hướng lựa chọn, tư vấn cho các hộ sản xuất phát triển mở rộng. Chỉ đạo các đơn vị trong ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các biện pháp hướng dẫn, kiểm tra, đôn dốc và giải quyết tốt các yêu cầu phục vụ cho sản xuất vụ đông.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị.
Tăng cường công tác kiểm tra, quản lý Nhà nước về chất lượng giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các loại vật tư hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, quản lý chặt chẽ các mô hình khảo nghiệm giống, phân bón, kỹ thuật sản xuất mới. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất trồng trọt của Trung ương, của tỉnh để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia liên kết sản xuất vụ đông.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất đã tập trung đánh giá những thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp để sản xuất vụ đông đạt kế hoạch đề ra.
Hải Đăng