Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, cũng như mức độ thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế của tỉnh, lẽ ra thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thanh Hóa phải ở nhóm dẫn đầu cả nước mới xứng tầm.
Thực tế đã có những năm PCI của Thanh Hóa xếp hạng ở những vị trí khá cao như trong 3 năm liên tiếp (từ 2013 đến 2015) dao động từ ví trí thứ 8 đến 12. Các năm từ 2017 đến 2019 dao động từ vị trí từ 24 đến 28. Tuy nhiên chỉ sau đó 2 năm, PCI của Thanh Hóa rớt hạng rất nhanh, xuống vị trí thứ 43 vào năm 2021 và 47/63 tỉnh, thành phố cả nước vào năm 2022, trở thành con số “gây sốc”.
Việc PCI của Thanh Hóa thiếu sự ổn định, tăng mạnh và giảm sâu sau đó có thể nói phần nào bị chi phối bởi việc còn có những sở, ngành, địa phương trong tỉnh chưa thực hiện tốt Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI). Nếu chất lượng điều hành của cấp huyện, sở, ngành trong tỉnh có sự cải thiện theo thời gian; mức độ, chất lượng giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp chuyển biến tích cực, giúp doanh nghiệp tiết giảm các chi phí, thuận lợi trong triển khai dự án, chắc chắn sẽ thúc đẩy năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Năm 2022 là năm thứ 2 tỉnh Thanh Hóa triển khai đánh giá DDCI, và với sự công bố vị trí thứ hạng, trong đó nhiều vị trí khá thấp gọi tên một số sở, ngành có liên quan đến doanh nghiệp đã tạo ra động lực thúc đẩy mạnh mẽ, tấm gương soi chiếu để các sở, ngành, địa phương khắc phục khiếm khuyết, hướng tới vấn đề mấu chốt là tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Và ngay lập tức, việc làm này đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ, PCI của Thanh Hóa trong năm 2023 đã vươn tầm thứ hạng, nhảy vọt tới 17 bậc để lọt vào tốp 30 tỉnh, thành phố có thứ hạng cao của cả nước trong lần công bố diễn ra cách đây ít ngày.
Chúng ta đã có sự nhìn nhận, điều chỉnh rất kịp thời sau khi tụt sâu trên bảng xếp hạng quốc gia, để chỉ ngay sau đó 1 năm đã vươn lên đầy mạnh mẽ.
Sau công bố, người dân và doanh nghiệp chờ đợi thứ hạng PCI của Thanh Hóa không chỉ được duy trì ở tốp trên, mà còn phải tiếp tục cải thiện hơn nữa trong những lần công bố tiếp theo. Bởi PCI là thước đo sự hài lòng của doanh nghiệp đối với môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương. Tỉnh Thanh Hóa đã và đang hình thành nhiều khu, cụm công nghiệp, đón nhận nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn vào đầu tư. Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh sẽ là cơ hội để doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, tạo ra hiệu ứng thu hút làn sóng đầu tư mới vào tỉnh.
Mà muốn làm được điều đó, những sở, ngành chức năng và địa phương, cán bộ được giao nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, giải quyết thủ tục liên quan cho doanh nghiệp phải nỗ lực hơn nữa, tránh tư tưởng bằng lòng, ngại đổi mới. Đặc biệt, phải từ bỏ suy nghĩ doanh nghiệp cần mình thì phải đến với mình. Thay vào đó, nhận ra mình còn yếu ở đâu, thiếu điểm nào để bù lấp. Quan trọng hơn là phải kiên trì, bền bỉ với mục tiêu đã đề ra, phá dớp PCI trồi trụt thất thường trong quá khứ.
Sau nỗi buồn chúng ta đã quyết tâm làm lại, bước đầu đã thành công, và bây giờ sau niềm vui ban đầu, cũng mong rằng chúng ta phải tiết chế cảm xúc, giữ vững bản lĩnh, đề cao trách nhiệm để làm tốt hơn nữa.
Thái Minh