Mỗi dịp xuân sang lại vọng lên trong tôi bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên với hình ảnh ông đồ già uy nghiêm, khả kính. Với những ông đồ, tôi luôn dành sự tôn trọng bởi quan niệm rằng, những chữ mà ông viết ra đều là chữ được chắt từ gan ruột. Ấy là chữ thánh hiền.
Nhưng dường như sự khả kính ấy chỉ còn trong ký ức khi mà đời sống phát triển cùng những thú chơi thực dụng đã không còn chỗ cho những ông đồ thi triển. Người treo bút, người đập nghiên.
Dăm năm trước, về quê cùng bạn đi chơi chợ phiên, điều khiến tôi chú ý, cũng xúc động nhiều nhất nằm ở một túp lều khiêm nhường cuối chợ. Một đồ nho già nghiêm cẩn bên chiếc chỏng tre, trước mặt là nghiên mực và hàng bút lông bày ngay ngắn, phía sau là những bức thư họa phấp phới trong gió xuân. Phải đến cả tiếng đồng hồ ông ngồi như thế, nhưng chẳng có khách nào cả. Chỉ có những đứa trẻ tò mò đứng lại nhìn nhưng ngay lập tức bị người lớn lôi đi kèm câu hối thúc: “Đi nhanh không mực làm bẩn người giờ!”. Câu nói như xát muối vào lòng, nhưng ông đồ ấy vẫn kiên trì với góc chợ phiên ấy.
Tôi biết ông không phải người quê tôi. Ông đến từ TP Thanh Hóa. Trước đó ông là giáo viên một trường nghệ thuật. Niềm đam mê, và có lẽ cả phần trách nhiệm hối thúc nữa khiến ông có mặt ở nhiều nơi. Những chợ phiên, cổng chùa, đôi khi ở một sân trường làng. Tôi chẳng nghĩ tới điều to tát về một sứ mệnh nào khiến ông phải di chuyển khắp nơi trong bộ khăn xếp, áo tứ thân, đôi guốc mộc và chiếc tráp đồ nghề. Chỉ đơn giản cho rằng, ở ông có một niềm đam mê.
Nhưng rõ ràng sự đam mê ấy khiến ông phải tiêu tốn khoản tài chính không nhỏ. Sự đam mê của cá nhân ông như những con ong góp mật cho đời, chí ít giúp những đứa trẻ sinh ra trong thời đại số biết được còn có những ông đồ nho và thứ chữ thánh hiền, dù chúng bị bố mẹ xềnh xệch lôi đi.
Công cuộc chấn hưng văn hóa truyền thống là trách nhiệm chính của ngành văn hóa, nhưng cũng là của tất cả chúng ta. Những nghệ nhân làng nghề, những ca nương ca trù, những nghệ sĩ sáo trúc, hay đơn giản như ông đồ giản dị ấy, mỗi người đều là một sợi chỉ màu để làm nên tấm thổ cẩm.
Mấy hôm trước tôi lại về quê đi chợ phiên và chờ đợi xem “ông đồ” có còn kiên gan với nơi góc chợ. Tôi mỉm cười bởi vẫn chiếc lều cũ, nhưng khuôn mặt của ông đồ không còn suy tư, lặng phắc. Nhiều người dân vùng quê đã hào hứng với đôi câu đối hoặc bức thư pháp, nhiều khi chỉ là chữ viết bất kỳ mà ông múa bút. Người ít, người nhiều, tự tay bỏ tờ tiền vào chiếc đĩa đặt trên bàn để cảm ơn ông.
Tôi từng cho rằng, những ông đồ xưa cho chữ cốt để được sống trong không gian mùa xuân, mong mỏi đem niềm vui đến cho người xin chữ. Ở góc chợ quê khiêm nhường hôm nay tôi đã thấy hình ảnh ấy sau mấy năm kiên trì của ông đồ.
Những đôi câu đối, bức thư pháp phấp phới trong gió xuân trên hè phố, ở góc chợ đang sống lại thật rồi. Tôi lẩm nhẩm những câu thơ trong bài thơ “Ông đồ”: Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già… bằng sự khoan khoái. Giá như Vũ Đình Liên còn sống, chắc ông không phải viết những câu đầy bi ai: Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay…
Hạnh Nhiên
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ong-do-o-goc-cho-phien-236561.htm