Là một trong những người tiên phong đưa ốc nhồi về địa phương, sau hơn 5 năm khởi nghiệp, anh Vũ Văn Khải ở thôn Xuân Tiến, xã Quảng Long (Quảng Xương) đã thành công với mô hình này.
Mô hình nuôi ốc nhồi của gia đình anh Nguyễn Văn Khải ở thôn Xuân Tiến, xã Quảng Long cho lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm.
Trước đây, anh Khải chủ yếu nuôi lợn và trồng cói, tuy nhiên sản xuất bấp bênh, không mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng nên đến giữa năm 2019, anh đã chuyển sang tìm hiểu về mô hình nuôi ốc nhồi. Thấy các tỉnh bạn làm được, anh cũng quyết tâm lên tận Thái Nguyên, ra Nam Định, Thái Bình để học hỏi kinh nghiệm và các phương pháp kỹ thuật nuôi ốc nhồi; đồng thời mua một ít giống ốc về nuôi thử nghiệm. Với số vốn 100 triệu đồng, anh Khải đã thuê máy xúc đào 2 ao nuôi và thả giống ốc đã mua để nuôi thử nghiệm, nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên đàn ốc của anh đã sinh trưởng khá tốt. Sau hơn 3 tháng nuôi, anh Khải đã thu hoạch và xuất bán 7 tạ ốc thương phẩm, mang về lợi nhuận gần 50 triệu đồng. Từ thành công đó, đến đầu năm 2020, anh tiếp tục đào thêm 4 ao nuôi với diện tích 2.500m2 và nhập 10 vạn ốc giống bố mẹ để nhân giống. Đồng thời chia ao to thành các ao nhỏ để dễ dàng quản lý, chăm sóc mỗi khi thời tiết thay đổi. Sau các vụ nuôi liên tiếp thành công, đến nay, anh Khải đã xây dựng được mô hình nuôi ốc hoàn chỉnh với hệ thống 7 ao và 1 ao nuôi bèo lấy thức ăn cho ốc.
Nói về kỹ thuật nuôi ốc nhồi, anh Khải hào hứng cho biết: Để một vụ ốc thành công, người nuôi cần phải nắm rõ kỹ thuật cũng như phải theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng, phát triển của con ốc; thường xuyên vệ sinh sạch sẽ ao nuôi bởi ốc rất mẫn cảm với nước bẩn; đồng thời phải biết điều chỉnh các chất dinh dưỡng sao cho phù hợp để mình ốc béo, miệng đầy, từ đó đạt năng suất cao. Thời gian để ốc bắt đầu sinh sản và đẻ trứng từ tháng 2 đến tháng 11 âm lịch, chủ yếu đẻ vào ban đêm và sáng sớm. Khi ốc sinh sản, người nuôi cần thu gom trứng lại và ấp thùng ở nhiệt độ 28 – 30 độ C, thời gian ấp trứng kéo dài 10 ngày. Sau đó ốc sẽ nở, người nuôi chăm sóc thêm khoảng 15 ngày là có thể bán con giống hoặc chuyển ra ao to để nuôi thương phẩm; chăm đủ 3 tháng, khi con ốc đạt kích cỡ 25 con/kg thì xuất bán ra thị trường. Về nguồn thức ăn của ốc vô cùng đơn giản, chủ yếu là lá bèo, lá khoai môn… đều là những thứ thức ăn dễ kiếm và có thể tự trồng để tiết kiệm chi phí. Vào mùa đông là thời gian ốc nhồi “ngủ đông”, đây là thời điểm thích hợp để người nuôi cải tạo lại ao hồ, dưỡng ốc cho các vụ tiếp theo”.
Sau hơn 5 năm, đến nay trang trại của anh Khải đã ổn định và cho thu nhập tốt. So với mô hình cũ thì mô hình ốc nhồi mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Hiện nay, ốc nhồi thương phẩm anh Khải nhập cho thị trường trong và ngoài tỉnh có giá 80 nghìn đồng đến 100 nghìn đồng/kg. Ốc giống có giá 2 – 2,5 triệu đồng/vạn con; trứng ốc có giá từ 500 nghìn đồng đến 800.000 đồng/kg. Riêng trong năm 2023, anh Khải đã cung cấp cho thị trường 1,5 tấn ốc thương phẩm, 100 vạn ốc giống và 3 tạ trứng ốc. Sau khi trừ chi phí, cho thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng. Mô hình này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình mà còn giúp 5 lao động địa phương có việc làm với mức thu nhập 200 nghìn đồng/ngày. Sắp tới, anh Khải dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi cũng như tìm kiếm những hộ gia đình có nhu cầu hợp tác để phát triển nghề nuôi ốc nhồi.
Bài và ảnh: Chi Phạm