Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là một trong những điểm sáng trên bức tranh kinh tế của Thanh Hóa năm 2023. Theo số liệu vừa công bố bởi Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 10 địa phương thu hút nhiều FDI nhất năm 2023, Thanh Hóa được xướng tên cùng với các đầu tàu kinh tế khác của đất nước là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Long An.
Ảnh minh họa.
Vị trí này thật ấn tượng, cho thấy sự tăng tốc mạnh mẽ của tỉnh. Bởi, theo thống kê 10 tháng năm 2023, vốn FDI đăng ký vào Thanh Hóa còn đứng thứ 19 trong số các tỉnh, thành phố có vốn FDI đăng ký. Thế nhưng chỉ với 2 tháng còn lại, Thanh Hóa đã bứt lên, vượt nhiều địa phương để chen chân vào tốp dẫn đầu.
Trong các dự án FDI đăng ký mới, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có số vốn đầu tư khá lớn. Đây là ngành sản xuất đóng góp bền vững cho sự phát triển của nền kinh tế mà tỉnh đang rất cần.
Cùng với thu hút nguồn vốn mới, mức độ giải ngân vốn FDI trên bình diện cả nước nói chung, ở tỉnh Thanh Hóa nói riêng trong năm 2023 cũng đạt con số cao, cho thấy sức hút của điểm đến dòng vốn này là rất lớn.
Không chỉ có lợi thế từ tài nguyên đất đai, hạ tầng kinh tế kỹ thuật, nguồn lực lao động phù hợp, Thanh Hóa còn có sự cạnh tranh từ chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là điều rất đáng chú ý trong bối cảnh cuộc đua thu hút đầu tư ngày càng quyết liệt không chỉ ở phạm vi trong nước, mà còn trên toàn cầu.
Những điểm cộng khác là, bên cạnh những cơ chế, chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư được tỉnh ban hành trước đó, đã có thêm những cơ chế, chính sách mới được ban hành, một số cơ chế được sửa đổi nhằm tăng sức hấp dẫn. Cùng với đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ trong cải cách hành chính với nhiều thủ tục đầu tư được rút gọn, cắt giảm phù hợp. Công tác giải phóng mặt bằng được tỉnh chỉ đạo thực hiện bài bản, quyết liệt. Trong năm các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã dẫn đầu nhiều đoàn công tác xúc tiến đầu tư ở nước ngoài; tiếp và làm việc, giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh với nhiều nhà đầu tư, tổ chức kinh tế nước ngoài khi đến thăm, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thanh Hóa.
Đáng lưu ý là Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được phê duyệt hồi đầu năm, trở thành “điều kiện khung”, làm dữ liệu cho nhà đầu tư đánh giá, lựa chọn đầu tư.
Có thể thấy tỉnh Thanh Hóa đang ngày càng chủ động và chuyên nghiệp hơn trong xúc tiến đầu tư, nhất là “chăm sóc” dự án FDI. Những yếu tố đó cho phép chúng ta niềm tin, nhưng tuyệt nhiên không chủ quan, để năm 2024 Thanh Hóa tiếp tục thành công trong thu hút dòng vốn ngoại, tạo sức bật cho sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Thái Minh