Đã 10 thế kỷ kể từ ngày Lý Thái tổ mang quân chinh phục phương Nam đến nay, dường như tiếng khánh cổ ở ngôi chùa Long Cảm trên núi Ốc Sơn (tiểu khu Trang Các, thị trấn Hà Trung) vẫn còn vang vọng. Nơi ấy, đất ấy, âm thanh ấy không chỉ giúp con người ta lắng lòng lại trước nhịp sống chảy trôi hằng ngày mà còn khiến ta tự hào về một nơi thơ mộng hữu tình, non xanh nước biếc.
Chùa Long Cảm trên đỉnh Ốc Sơn.
Theo sử cũ ghi chép, vào năm Thuận Thiên thứ 11 (1020), trên đường đi chinh phục đất phương Nam, đến vùng phủ Quảng Hòa (huyện Hà Trung ngày nay) vua Lý Thái tổ cùng đoàn quân của mình đã dừng chân, đóng quân trên núi Ốc Sơn. Đêm đến nhà vua nằm mộng thấy vị thần linh ở núi hiện đến và hứa sẽ trợ lực cho nhà vua trong cuộc tiến quân này. Công cuộc chinh phục phương Nam thắng lợi, về tới kinh đô, truy nhớ lại sự tích trên và để trả ơn vị thần linh giúp sức, vua Lý Thái tổ đã cho dựng trên núi Ốc Sơn một ngôi chùa lấy tên Long Cảm (có nghĩa là vua trả ơn, cảm tạ).
Đến thời nhà Trần, vua Trần Thái tông thân chinh dẫn quân đi đánh giặc Chiêm Thành, khi qua chùa Long Cảm dừng quân nghỉ ngơi cũng mộng thấy vị thần núi Ốc Sơn hiển linh mộng báo. Đến thời nhà Nguyễn, trong một lần ra Bắc qua vùng đất này, vua Thiệu Trị đã cho người trùng tu lại chùa, đồng thời ban tặng cho chùa quả chuông đồng, khắc văn bia ghi công đức.
Nhắc lại lịch sử để chúng ta hiểu rằng không phải ngẫu nhiên mà các bậc vua chúa, tao nhân mặc khách khi qua đất này đều đã dừng chân lại. Một phần vì nơi đây phong cảnh đẹp như bức tranh, nhưng hơn hết là khí thiêng tỏa rạng.
Giới thiệu với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Luyện, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Trung (Hà Trung), cho biết: Về lịch sử địa chất, kết quả từ nhiều quá trình thăm dò nghiên cứu đã khẳng định nơi đây đã từng có sông cổ, bãi bồi. Sau hàng trăm năm, dưới những cánh đồng mênh mông nước ấy, người dân đã tìm thấy nhiều bãi lim. Điều đấy một phần khẳng định, dòng sông này đã từng là con đường vận chuyển lâm sản.
Sách Dư địa chí Hà Trung cho biết: Đứng từ xa ngắm nhìn, giữa lòng chảo có núi viền quanh là một ngọn đồi xinh xinh nổi lên giữa cánh đồng ngập nước. Ngọn đồi ấy, theo trí tưởng tượng của người xưa mà đã được đặt tên gọi là núi Ốc Sơn (núi giống như hình con ốc đang nằm). Lại có người gọi là núi Cô Sơn vì tứ bề lau lách um tùm, có duy nhất một ngọn đồi nhô lên, trông thật cô đơn và lẻ loi. Trên đỉnh núi là ngôi chùa Long Cảm quay mặt về hướng Nam trong một cấu trúc liên hoàn gồm cổng Tam Quan – sân chùa – chùa chính – nhà thờ Mẫu – nhà thờ Tổ, tiếp đến là nhà khách và nơi ở của sư trụ trì. Toàn bộ khuôn viên chùa trở thành một vọng đài nhô lên nền trời và nhìn ra bốn phía là các vùng đất của Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Nga Sơn với ruộng đồng, làng mạc miên man thu vào tầm mắt giữa không gian lộng gió.
Những “báu vật” ở chùa Long Cảm.
Leo từng bậc, từng bậc, chúng tôi nhẹ nhàng lên đến chùa Long Cảm. Ni sư Thích Đàm Quang trong bộ áo nâu sồng dẫn chúng tôi vãn cảnh chùa, đồng thời giới thiệu về những báu vật còn lưu giữ ở nơi đây. Đó là quả chuông đồng, là tấm bia, là những hàng cột đá ở hiên chùa chính có vài trăm năm đến gần 1.000 năm. Là những chân đá tảng, có thời kỳ được người dân mang về làm ghe đập lúa, thậm chí đưa về nhà làm cầu ao. Nhưng do yếu tố tâm linh nên đến nay hầu hết mọi người đã mang trả lại cho chùa. Là 8 pho tượng của tám vị tổ sư từng tu hành tại chùa, được coi là những tác phẩm nghệ thuật quý hiếm, tinh xảo. Là cặp khánh đá cổ được tạc đẽo từ những khối đá lớn thành hình bán nguyệt nặng chừng 400kg/chiếc. Trong đó, chiếc khánh có chạm khắc hoa văn vốn ở ngôi chùa Thượng (làng Thượng Quý, xã Hà Phong cũ). Sau khi chùa bị tàn phá, có người tiếc chiếc khánh quý bèn đem giấu xuống ao bèo rồi sau đó đem về chùa Long Cảm cung tiến. Còn chiếc khánh đá cổ ở chùa Long Cảm, theo một số nhà nghiên cứu đến đây tìm hiểu về thanh âm của loại đá này đã khẳng định được làm từ đá núi Nhồi (phường An Hoạch, TP Thanh Hóa). Trong cuốn “Vân đài loại ngữ”, Bảng nhãn Lê Quý Đôn chép chuyện quan Thượng thư Lê Hữu Kiểu khi làm trấn thủ Thanh Hóa sai người đến núi Nhồi lấy đá đẽo thành chiếc khánh hình cá, rồi khắc chữ vào khánh rằng: “Hoạch Sơn loại đá kêu vang/ Sắc xanh màu biếc mịn màng đẹp tươi/ Gõ lên sang sảng bên tai/ Tuyệt nhiên không chút trần ai lạc vần…”. “Ai đến đây vãn cảnh cũng mong được gõ lên chiếc khánh cổ này để mong may mắn, bình an hay cầu tự… Tất cả đã làm nên vẻ trầm mặc, linh thiêng đồng thời giúp chúng ta hiểu thêm chặng đường bảo tồn và phát triển của ngôi chùa cổ”, ông Nguyễn Ngọc Luyện, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hà Trung cho chúng
tôi biết.
Trải qua nhiều lần tôn tạo, trùng tu, vóc dáng chùa Long Cảm đã có nhiều đổi thay. Từ ngôi chùa nhỏ lặng lẽ nép mình bên núi Cô Sơn, nay đã được xây dựng bề thế, khang trang, ai đi qua cũng phải ngước nhìn. Dấu thời gian hằn trên các hiện vật, ở đó là hàng cột đá nơi hiên chùa chính có tuổi đời nghìn năm, là kiến trúc chùa, bia ký, chuông đồng, khánh đá và tượng pháp… của thời Lê – Nguyễn; là những cây muỗm, cây ngâu có từ xa xưa, chẳng ai có thể khẳng định… Tất cả được phủ một màu thâm trầm nhưng lại rất rõ trong từng tích chuyện, huyền thoại.
Nói với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Luyện cho biết thêm: Sinh ra trên chính mảnh đất này, tôi không chỉ được nghe mà còn chứng kiến nhiều câu chuyện “thiêng” nơi này. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đây là một trong những pháo đài quan trọng của quân dân Thanh Hóa. Nhiều ụ pháo bảo vệ cầu Đò Lèn được quân và dân Hà Trung dựng lên để chống lại sự bắn phá ác liệt của máy bay Mỹ hòng đánh sập cầu, cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch nối hai miền Nam – Bắc. Đây cũng là địa điểm trú ẩn bí mật và an toàn của bộ đội. Nhiều cánh cổng, cửa và các hiện vật của nhà chùa được tháo dỡ để làm cáng khiêng thương binh.
Chính những giá trị văn hóa và lịch sử ấy mà ngôi chùa luôn là điểm đến tâm linh của nhiều phật tử và du khách gần xa. Vào mùng một, ngày rằm và dịp lễ, tết hằng năm, ngôi chùa luôn nhộn nhịp khách đến dâng hương, vãn cảnh. Bà Phan Thị Lan, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hà Trung, cho biết: Thời gian tới huyện Hà Trung sẽ tập trung khai thác có hiệu quả 6 cụm du lịch trọng điểm gắn với các sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, kiến trúc cổ, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng theo Đề án Phát triển du lịch huyện Hà Trung phù hợp với chiến lược du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó chùa Long Cảm nằm trong tuyến du lịch tâm linh. Từ đây có thể kết nối với đền thờ Thái úy Lý Thường Kiệt ở xã Hà Ngọc; đền cô Bơ Bông (còn gọi là đền Cô Bơ hoặc Cô Ba thoải phủ) khu vực ngã ba sông giáp ranh giữa 5 huyện Hà Trung, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Vĩnh Lộc và Yên Định) và đền Hàn Sơn (còn gọi là đền Mẫu Đệ Tam hoặc Đệ Tam Thoải phủ) tại xã Hà Sơn.
Đến với chùa Long Cảm trên núi Ốc Sơn, hít thở bầu không khí thanh sạch, tĩnh tại, mùi hương trầm tỏa lan khắp không gian khiến một vãn khách như tôi chỉ mong thời gian trôi thật chậm, thật chậm. Nhưng, rồi tôi bỗng chốc lo lắng khi phóng tầm mắt ra xa, sẽ chẳng lâu nữa, nơi những cánh đồng bát ngát này sẽ được quy hoạch và những công trình mới lại mọc lên. Liệu rằng cảnh quan của vùng đất cổ phong cảnh hữu tình có bị phá vỡ?
Huyền Chi