Nguyễn Thị Thúy (18 tuổi, P.9, Đà Lạt) sinh ra tại Đà Lạt 2 năm sau khi bố mẹ cô rời Thanh Hóa đến Đà Lạt kiếm sống. Đà Lạt đẹp nhưng không dễ dàng với đôi vợ chồng chỉ có bàn tay trắng, không nghề, không đất đai. 20 năm sau, bố mẹ Thúy vẫn nghèo.
Vừa học vừa kiếm tiền thì có gì xấu hổ
Thúy nhỏ như một cái kẹo. Con nhà nghèo nên cô không còn cảm giác với những khó khăn đeo đuổi hàng ngày. 12 năm liền cô là học sinh giỏi trong sự ngưỡng mộ của bè bạn. Rời sách vở, cô theo mẹ đi nhặt chai bao (ve chai – PV), đi mót rau ở những khu vườn đã thu hoạch hoặc rau dại mọc trên đất bỏ hoang để mang ra chợ bán.
Bà Bùi Thị Liên (45 tuổi, mẹ Thúy) bảo: “Nghe người ta xúi nghỉ học đi phụ làm vườn để sớm có tiền. Nó nói với tôi, con phụ mẹ kiếm tiền là được, sao phải bỏ học mẹ ha”.
Ông Nguyễn Quốc Văn (44 tuổi, bố Thúy) kể: “Nó đi nhặt ve chai quanh trường. Tôi thấy xót quá. Nó hồn nhiên bảo gần trường có nhiều chai lọ để nhặt. Sẽ xong sớm để kịp học bài vào lớp. Nó không thấy xấu hổ, nhặt đầy cả bao, kéo vào một bụi cây gần trường bỏ đó.
Vợ tôi đến đón con thì đón luôn cả túi chai bao. Hai mẹ con mang ra vựa bán xong mới về. Ngày đi học hôm sau, con bé lại mang một cái bao cước to hơn người nó đến trường”.
Thúy nghe bố kể thì cười: “Làm vậy là tiện mà bố. Con vừa đi học vừa kiếm tiền có sao mà xấu hổ”.
Sau khi đủ tiền nhập học, Thúy không đi mót rau hay nhặt chai bao nữa. Cô chuyển sang dạy kèm. Vừa có tiền lo học phí cho hai em nhỏ, vừa tiện việc học.
Một tay Thúy chăm mẹ, dạy em, hay cười
Bà Trương Thị Liên (P.9, Đà Lạt) là người ở trong xóm nơi gia đình Thúy ngụ cư cho biết: “Từ lúc mẹ của Thúy bị bệnh, cháu thay mẹ làm mẹ của các em. Một tay Thúy chăm mẹ, dạy em, rồi ra chợ bán rau. Nó lui cui mà thương. Con nhỏ đó lúc nào cũng cười, không biết cực là gì”.
Bà Liên là người đã cho gia đình Thúy mượn khoảnh đất nhỏ để trồng su hào, rau dền kiếm thêm thu nhập trong hơn một năm qua.
Thúy cảm nhận được sự bế tắc trong hành trình thoát nghèo của bố mẹ. Làm con, Thúy không thể nói được rằng: con sẽ giúp bố mẹ thoát nghèo. Nhưng trong thư gửi đến chương trình Tiếp sức đến trường, Thúy bộc bạch: “Con muốn cùng các em đưa gia đình mình thoát nghèo, sẽ không còn ở trọ, sẽ không còn cảnh bố đôn đáo chạy tiền cho mẹ uống thuốc… Gia đình mình sẽ có nhà sau bao nhiêu năm bố mẹ tha hương cầu thực”.
Khi báo Tuổi Trẻ thông báo được nhận học bổng Tiếp sức đến trường năm 2024, Thúy mừng muốn khóc. Cô bảo: “Từ khi làm hồ sơ gửi chương trình, tôi chờ từng ngày để nhận tin từ ban tổ chức. Đoạn tới đây tôi và các em sẽ đỡ lo tiền học phí. Tiền kiếm được để mẹ uống thuốc”.
Thúy bảo: “Coi như mình mượn tiền của Tiếp sức đến trường đi học. Sau này đi làm, mình sẽ gửi lại để chương trình chăm sóc cho các bạn trẻ khác có hoàn cảnh giống mình lúc này”.
Nguyễn Thị Thúy trúng tuyển vào khoa luật học của Trường đại học Đà Lạt với hơn 25 điểm. Với điểm số này, Thúy có thể rời phố núi để học trường chuyên ngành luật tại TP.HCM. Thúy tâm sự: “Tôi cũng có ý định này ngay từ khi nộp hồ sơ xét tuyển. Nhưng mẹ tôi không còn lao động được nữa. Bố không thể nào gánh xuể bao việc. Nên tôi chọn học ở gần nhà, phụ bố lo cho các em. Các em lớn dần tôi sẽ học để trở thành luật sư tại TP.HCM. Ở đó, tôi nghĩ sẽ có nhiều cơ hội cọ xát để thành một luật sư giỏi”.
Trường đại học Đà Lạt hỗ trợ sinh viên Nguyễn Thị Thúy
Qua trao đổi với báo Tuổi Trẻ, Trường đại học Đà Lạt và Công ty TA. Development (Hàn Quốc) đã trao khoản hỗ trợ sinh viên “Vượt khó học tập tốt” cho tân sinh viên Nguyễn Thị Thúy. Ngày 17-10, Thúy đã nhận được khoản hỗ trợ 500 USD (tương đương 12,5 triệu đồng).
Ông Lê Minh Chiến, hiệu trưởng Trường đại học Đà Lạt, cho biết: “Trong quá trình học tập, nếu sinh viên Nguyễn Thị Thúy đạt được thành tích học tập, rèn luyện tốt thì trường sẽ có học bổng hỗ trợ em. Nhà trường đánh giá cao nỗ lực học tập tốt của sinh viên. Với những khó khăn trong đời sống, nhà trường sẽ đồng hành cùng các em tháo gỡ”.
90 học bổng cho 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên
Hôm nay (27-10), báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng các Tỉnh Đoàn Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum trao học bổng Tiếp sức đến trường 2024 cho 90 tân sinh viên khó khăn của năm tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Chương trình trao học bổng Tiếp sức đến trường và giao lưu nghệ thuật “Ươm mầm xanh cao nguyên” được Đài PT-TH Lâm Đồng truyền hình trực tiếp, tiếp sóng trên các Đài PT-TH Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và báo Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn) từ 9h30.
Tổng kinh phí chương trình hơn 1,3 tỉ đồng do Quỹ “Đồng hành nhà nông” (Công ty cổ phần phân bón Bình Điền), Công ty phân bón Việt Nhật và Công ty Dai-ichi Life Việt Nam tài trợ.
Mỗi suất học bổng 15 triệu đồng, trong đó có hai suất đặc biệt (50 triệu đồng/bốn năm).
Ngoài ra, Quỹ khuyến học Vinacam (Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam) tài trợ bốn laptop cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn thiếu thiết bị học tập.
Hệ thống Anh văn Hội Việt – Mỹ tặng 10 học bổng tiếng Anh khóa luyện thi IELTS cho tân sinh viên hai tỉnh Lâm Đồng và Đắk Lắk, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tặng ba lô cho tân sinh viên.
Mời bạn đồng hành cùng Tiếp sức đến trường
Chương trình Tiếp sức đến trường 2024 của báo Tuổi Trẻ khởi động ngày 8-8, dự kiến trao 1.100 suất học bổng với tổng kinh phí hơn 20 tỉ đồng (15 triệu đồng cho tân sinh viên khó khăn, 20 suất học bổng đặc biệt trị giá 50 triệu đồng/suất trong suốt 4 năm học và thiết bị học tập, quà tặng…).
Với phương châm “Không để bất kỳ bạn trẻ nào vì nghèo khó mà không thể đến với giảng đường”, “Tân sinh viên gặp khó, có Tuổi Trẻ” – như một lời cam kết sẵn sàng hỗ trợ tân sinh viên trong hành trình 20 năm qua của Tuổi Trẻ.
Chương trình được sự đóng góp, ủng hộ của Quỹ “Đồng hành nhà nông” – Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Quỹ khuyến học Vinacam – Công ty cổ phầntập đoàn Vinacam và các Câu lạc bộ “Nghĩa tình Quảng Trị”, Phú Yên; Câu lạc bộ “Tiếp sức đến trường” Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Tiền Giang – Bến Tre và CLB Doanh nhân Tiền Giang, Bến Tre tại TP.HCM, Công ty Dai-ichi LifeViệt Nam, ông Dương Thái Sơn và những người bạn cùng các doanh nghiệp và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ…
Ngoài ra, Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacamcòn tài trợ 50 máy tính xách tay cho tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập trị giá khoảng 600 triệu đồng, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam tài trợ 1.500 ba lô trị giá khoảng 250 triệu đồng.
Hệ thống Anh văn Hội Việt Mỹ tài trợ 50 suất học bổng ngoại ngữ miễn phí trị giá 625 triệu đồng. Thông qua ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng TMCP Bắc Á tài trợ 1.500 quyển sách về giáo dục tài chính, hướng dẫn kỹ năng quản lý tài chính cho tân sinh viên…
Doanh nghiệp, bạn đọc có thể ủng hộ học bổng cho tân sinh viên vui lòng chuyển vào tài khoản báo Tuổi Trẻ:
113000006100 Ngân hàng Công Thương (VietinBank), chi nhánh 3 TP.HCM.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Bạn đọc, quý doanh nghiệp ở nước ngoài có thể chuyển khoản về báo Tuổi Trẻ:
Tài khoản USD 007.137.0195.845 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM;
Tài khoản EUR 007.114.0373.054 Ngân hàng Ngoại thương TP.HCM
với Swift code BFTVVNVX007.
Nội dung: Ủng hộ “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên hoặc ghi cụ thể tỉnh/thành mà bạn đọc muốn hỗ trợ.
Ngoài tài trợ kinh phí học bổng, bạn đọc có thể ủng hộ thiết bị học tập, chỗ ở, việc làm… cho tân sinh viên.