Tiến sĩ Nguyễn Thị Huệ, giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Hồng Đức là một trong 8 thanh niên xuất sắc của tỉnh Thanh Hóa được tuyên dương tại Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác lần thứ VII năm 2023.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Huệ, giảng viên Khoa Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Hồng Đức. Ảnh: Linh Hương
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, bằng sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ, Nguyễn Thị Huệ đã tốt nghiệp loại xuất sắc ngành Sư phạm Vật lý, Đại học Hồng Đức (thủ khoa đầu ra khóa 2008-2012). Tốt nghiệp loại xuất sắc thạc sĩ tại Trường Đại học Zielona Gora (Ba Lan). Sau đó, cô đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh từ năm 2018-2022 tại Đại học Warsaw (thuộc top 3 đại học uy tín tại Ba Lan) với 6 công trình được công bố trên các tạp chí thuộc Q1, Q2 ISI và vinh dự nhận Giấy khen sinh viên có thành tích đặc biệt xuất sắc năm 2020 của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan. Cũng trong năm 2020, Nguyễn Thị Huệ là gương mặt đại diện sinh viên Việt Nam tại Ba Lan tham dự Diễn đàn Trí thức trẻ Việt Nam toàn cầu lần thứ 3 (11/2020).
Trong suốt những năm tháng học tập, tu dưỡng ở nước ngoài, trải qua nhiều khó khăn, thiếu khốn, sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, mỗi ngày làm việc trong phòng thí nghiệm từ 8 giờ sáng đến 22 giờ đêm mới trở về ký túc xá… Nguyễn Thị Huệ luôn tâm niệm: “Thanh niên chúng ta dù ở bất cứ nơi nào, chỉ cần trong tim có quê hương, hãy cứ kiên trì, cố gắng vượt khó, bởi vì đất nước và dân tộc Việt Nam luôn ở phía sau dõi theo và ủng hộ theo những cách khác nhau”. Đây chính là động lực thúc đẩy cô sinh viên Nguyễn Thị Huệ ra sức học tập, nghiên cứu khoa học để làm đầy thêm vốn kiến thức và mang những kiến thức học tập được ở nước ngoài về phục vụ cho quê hương, đất nước.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Huệ chia sẻ: “Từ khi còn nhỏ, mình thường được nghe qua loa phát thanh những câu chuyện về Bác Hồ. Mình yêu mến và kính phục Bác, từ đó tìm hiểu và học hỏi ở Bác rất nhiều điều. Khoảng thời gia học tập ở Ba Lan, mặc dù công việc học tập luôn là ưu tiên hàng đầu và chiếm phần lớn thời gian của mình, nhưng mình cũng có gắng sắp xếp thời gian, tham gia các câu lạc bộ khoa học, câu lạc bộ văn hóa Việt Nam tại Ba Lan để hỗ trợ thanh niên Việt Nam tại Ba Lan và quảng bá, giao lưu văn hóa, ẩm thực Việt với quốc tế”.
Say mê nghiên cứu khoa học, nhà khoa học trẻ này là chủ trì, đồng chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như: Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học quốc gia Ba Lan: Nghiên cứu chế tạo và truyền chùm tia xoáy quang trong hệ thống toàn sợi quang có tích hợp linh kiện vi quang cấu trúc nano; thành viên đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: Nghiên cứu xây dựng mô hình đào tạo thực hành thí nghiệm về sợi quang gắn với phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế tại Trường Đại học Hồng Đức (2019-2021); thành viên đề tài nghiên cứu khoa học quốc tế của quỹ khoa học quốc gia Ba Lan kết hợp với liên minh châu Âu, nghiên cứu về: Vi linh kiện quang cấu trúc nano – hướng tới những chức năng mới và các ứng dụng…
Trong vòng 3 năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Thị Huệ đã công bố 9 công trình nghiên cứu khoa học thuộc danh mục tạp chí ISI uy tín quốc tế; tham gia 6 hội nghị trong nước và quốc tế với một giải thưởng cho nghiên cứu và báo cáo nổi bật tại hội nghị 2nd IEEE British and Irish Conference on Optics and Photonics (BICOP 2019), tại London (Anh) và báo cáo mời tại hội nghị chuyên ngành uy tín về quang học (Advance Photonics Congress 2022, Hà Lan).
Năm 2022, tốt nghiệp tiến sĩ ở tuổi 32, Nguyễn Thị Huệ đã nhận được các lời mời ở lại nước ngoài làm việc của các đơn vị nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực quang học – quang tử, một trong số đó là của Viện nghiên cứu vi điện tử và quang tử (Warsaw, Ba Lan) với vị trí là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực sợi quang và linh kiện quang và một lời mời từ Đại học Chi Ba (Nhật Bản) cho vị trí nghiên cứu viên với mức lương khởi điểm khoảng 60 triệu đồng. Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Thị Huệ đã từ chối và quyết định trở về Việt Nam với quyết tâm góp phần phát triển quê hương Thanh Hóa – thực hiện song song và thực hiện tốt cả công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cô tâm niệm phải hoàn thành nhiệm vụ của người giảng viên, truyền đạt kiến thức cho sinh viên, đồng thời truyền lửa đam mê nghiên cứu khoa học cho sinh viên. Từ đó các bạn sinh viên có thể mở rộng thêm ra các cơ hội nghề nghiệp. Kết nối, hỗ trợ sinh viên tiếp cận các thông tin học bổng du học, tạo thêm động lực để các bạn phấn đấu, vượt khó để nắm bắt các cơ hội học bổng du học và nghiên cứu; góp phần đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học bởi khoa học không thể cô lập mà phải trao đổi, hợp tác để tiếp thu những thành tựu tiên tiến của thế giới đồng thời tham gia phát triển đội ngũ nghiên cứu của nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Hồng Đức…
Với những nỗ lực đó, trong năm 2023, cô và các cộng sự có 1 công trình đã được chấp nhận đăng trên tạp chí chuyên ngành uy tín (Science Report, Q1 ISI) vào tháng 11/2023 và 1 công trình vừa gửi đăng trên tạp chí chuyên ngành uy tín (Optics and Laser Technology, Q1 IS). Đây là hai công trình Q1 đầu tiên hoàn thành thúc đẩy sự hợp tác của 3 nhóm nghiên cứu: Nhóm Quang tử Trường Đại học Hồng Đức (Việt Nam), nhóm Quang tử Đại học Warsaw (Ba Lan), nhóm Quang tử của Đại học Chiba (Nhật Bản).
Với sức trẻ, tinh thần sáng tạo, cống hiến không mệt mỏi, tiến sĩ Nguyễn Thị Huệ đang từng ngày nỗ lực, trau dồi chuyên môn, cống hiến hết mình cho nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và giảng dạy để xứng đáng với kỳ vọng thanh niên là rường cột của nước nhà.
Linh Hương