Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, bà con nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) tỉnh Thanh Hóa đã và đang tích cực thi đua lao động, sản xuất. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, tiêu biểu về sáng tạo khởi nghiệp thành công, phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây là những hộ sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi không chỉ mang lại thu nhập cho hộ gia đình, tạo việc làm cho người dân trong vùng mà còn góp phần phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH), XDNTM ở địa phương.
Ông Nguyễn Văn Đoàn (thứ 2 bên phải sang), Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạch Cẩm – hộ gia đình tiêu biểu trong SXKD giỏi cùng cán bộ Hội Nông dân, Phòng Dân tộc huyện Thạch Thành và xã Thạch Cẩm thăm cánh đồng mía.
Nào cùng thi đua
Chúng tôi về xã Thạch Cẩm (Thạch Thành) – địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống. Đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn, dân tộc Mường, thôn Xuân Thắng, hiện là Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thạch Cẩm, đồng thời cũng là gia đình tiêu biểu trong SXKD của thôn Xuân Thắng nói riêng, xã Thạch Cẩm nói chung. Ông Đoàn cho biết, hơn 10 năm trước đây, gia đình ông rất khó khăn, chủ yếu trồng lúa, chăn nuôi nhỏ lẻ, vì vậy gia đình đã mạnh dạn thầu 1ha đất 5% của xã để trồng mía, đồng thời thuê đất không canh tác của các hộ dân trong vùng để mở rộng diện tích trồng mía; chăn nuôi thêm lợn thịt. Sau này, gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển vườn cây ăn quả (thanh long, bưởi Diễn) kết hợp với kinh doanh cửa hàng tạp hóa, cung ứng vật tư nông nghiệp; đầu tư mua 2 xe ô tô tải, 1 máy xúc và cải tiến máy xúc thành máy gắp mía mang lại hiệu quả, giảm chi phí nhân công lao động cho bà con khi đến thời kỳ thu hoạch mía nguyên liệu. Hàng năm, gia đình có thu nhập hơn 800 triệu đồng, lợi nhuận đạt 400 triệu đồng, tạo việc làm cho 10 lao động với mức lương trung bình 4,5 triệu đồng/tháng/người. Song song với phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Đoàn còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của HTX. Là người đứng đầu, ông Đoàn cùng ban giám đốc tuyên truyền, vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại năng suất, chất lượng, đặc biệt chuyển đổi từ diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng mía. Hiện nay, diện tích mía nguyên liệu do HTX quản lý là 336ha/gần 500ha mía nguyên liệu xã Thạch Cẩm. HTX đầu tư mua máy gắp mía, giảm thiểu chi phí, nhân công lao động cho các thành viên, năng suất thu hoạch tăng lên.
Trong số hội viên nông dân tiêu biểu của huyện Thạch Thành, chúng tôi còn biết đến anh Bùi Anh Kiều, thôn Vạn Bảo, xã Thành Tâm là giám đốc HTX ổi Thành Tâm đã tích cực tham gia các phong trào của hội, đặc biệt là SXKD giỏi . Hiện nay, gia đình anh Kiều có 5ha đất trồng ổi, dứa, hàng năm thu nhập trên 500 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Anh Kiều còn tích cực hỗ trợ hội viên về cây giống, kỹ thuật chăm sóc. Anh đã tiên phong đưa sản phẩm ổi của HTX vươn ra thị trường ngoài tỉnh, phân phối trên hệ thông Siêu thị Co.opMart, đăng ký và đạt danh hiệu sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh, được người tiêu dùng ưa chuộng. Mô hình trang trại của gia đình anh Kiều và mô hình liên kết của HTX ổi Thành Tâm đã trở thành một điển hình tiên tiến được nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài huyện tham quan, học tập kinh nghiệm. Trong các năm 2023-2024, gia đình anh đã giúp đỡ 2 hộ thoát nghèo, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động, 15 lao động thời vụ. Ở thôn 4, xã Thành Tiến (Thạch Thành) còn có anh Bùi Ngọc Huy (sinh năm 1991) là hội viên nông dân trẻ dám nghĩ, dám làm, đưa ngành nghề mới về quê hương. Sau thời gian đi học nghề, năm 2017 anh Huy đã về quê mở cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ. Ban đầu chỉ có 5 công nhân, đến nay cơ sở luôn duy trì dạy nghề và tạo việc làm cho trên 20 lao động thường xuyên, hàng năm cơ sở thu trên 1 tỷ đồng lợi nhuận. Tấm gương của ông Nguyễn Văn Đoàn, anh Bùi Anh Kiều, anh Bùi Ngọc Huy… là những cá nhân điển hình trong nông dân vùng đồng bào DTTS&MN huyện Thạch Thành đã và đang mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương đi đầu trong phát triển sản xuất.
Ông Nguyễn Hồng Vân, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Thạch Thành, cho biết: Tính đến tháng 8/2024, tổng số hội viên nông dân toàn huyện là 25.948 người. Thời gian qua, hội nông dân các cấp trong huyện luôn là hạt nhân nòng cốt của các phong trào nông dân, trong đó nổi bật là phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, góp phần trong thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp trên địa bàn huyện theo định hướng phát triển sản xuất quy mô lớn, áp dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Hội nông dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với UBND các cấp trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ tích cực cho nông dân, tập trung trên các lĩnh vực dịch vụ vật tư nông nghiệp, thực hiện các chính sách trong vay vốn phát triển sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn 2021-2023, số lượng hộ đăng ký phấn đấu SXKD giỏi toàn huyện bình quân từ 9.585 hộ trở lên. Các hộ đã tích cực liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp, nhiều hộ SXKD giỏi tham gia thành lập HTX, doanh nghiệp và tổ hợp tác. Tiêu biểu như hộ bà Nguyễn Thị Dung, khu phố thôn 1, thị trấn Vân Du thành lập doanh nghiệp nông nghiệp; ông Bùi Anh Kiều, thôn Vạn Bảo, xã Thành Tâm thành lập HTX ổi; ông Quách Văn Hiên, thôn Quảng Cư, xã Thạch Quảng thành lập HTX tinh dầu… Các hộ SXKD giỏi đã thu hút và tạo việc làm cho hơn 6.800 lao động nông thôn. Các hộ SXKD giỏi cũng tiên phong trong thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, là nòng cốt cho các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Phong trào đã thúc đẩy tinh thần vượt khó, sáng tạo và quyết tâm làm giàu, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của nông dân. Các hộ SXKD giỏi tiêu biểu ở các địa phương chính là tấm gương để các hộ nghèo vươn lên, xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận nông dân ở địa bàn khó khăn, XDNTM của địa phương, góp phần hoàn thành mục tiêu huyện Thạch Thành đạt chuẩn huyện NTM năm 2025.
Lan tỏa trong đồng bào
Trong những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói chung, trong đồng bào DTTS&MN nói riêng tiếp tục phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Phong trào có sức lan tỏa trong toàn tỉnh, trên tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản, dịch vụ, làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư duy, khơi dậy tính chủ động sáng tạo của nông dân tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ tập trung đất đai, ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần vào sự phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Thông qua phong trào ngày càng xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, có mức thu nhập cao. Hằng năm có gần 400.000 hộ nông dân đăng ký phấn đấu đạt hộ SXKD giỏi các cấp và có trên 200.000 hộ đạt SXKD giỏi các cấp. Qua việc tổ chức, phát động các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều đơn vị có những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả. Từ phong trào nhiều hộ đã thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác thu hút và tạo việc làm cho nhiều lao động, hình thành các chuỗi liên kết hợp tác trong SXKD và tiêu thụ sản phẩm. Phong trào đã khuyến khích, động viên nông dân phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo về vốn, giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật, cách làm ăn, tạo việc làm; chia sẻ khó khăn, mất mát của đồng bào các vùng gặp thiên tai, dịch bệnh… Giai đoạn 2018-2023, các cấp hội nông dân trong tỉnh đã vận động các hộ nông dân SXKD giỏi tạo việc làm tại chỗ cho hơn 1.193.872 lượt lao động, trong đó có 998.700 lượt lao động có việc làm thường xuyên, hơn 195.172 lượt lao động có việc làm theo mùa vụ; giúp đỡ vốn, giống cây, con và kinh nghiệm sản xuất cho hơn 40.270 lượt hộ nông dân, giúp 20.082 hộ nông dân thoát nghèo. Kết quả phong trào đã góp phần quan trọng vào sự phát triển KT-XH, XDNTM của tỉnh và các địa phương.
Giai đoạn 2023-2028, các cấp hội nông dân tỉnh Thanh Hóa tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua SXKD giỏi, thu hút đông đảo hội viên, nông dân tham gia; gắn phong trào với việc nâng cao chất lượng sản phẩm và chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng hàng hóa, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường và hội nhập quốc tế. Phấn đấu hàng năm có trên 400.000 hộ nông dân tham gia đăng ký phấn đấu trở thành hộ SXKD giỏi, 250.000 hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi 4 cấp, trong đó có 2% trở lên đạt danh hiệu cấp tỉnh và trung ương. 100% các huyện, thị, thành hội và 100% cơ sở hội tổ chức tổng kết phong trào “Nông dân thi đua SXKD giỏi, Hội Nông dân tổ chức phong trào giỏi” theo đúng kế hoạch. Thành lập các tổ, nhóm liên kết nông dân SXKD giỏi theo ngành nghề, lĩnh vực; thông qua công tác đào tạo, dạy nghề bồi dưỡng những nông dân SXKD giỏi làm nòng cốt để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, hình thành mới HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp nông nghiệp. Chủ động phối hợp với chính quyền, doanh nghiệp, đặc biệt là ngành nông nghiệp để chuyển giao, hướng dẫn, giúp đỡ hộ SXKD giỏi phát triển SXKD quy mô lớn gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thuận tiện, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, tiên tiến đạt hiệu quả cao. Xây dựng hộ SXKD giỏi trở thành những chuyên gia để thúc đẩy kinh tế nông thôn; tư vấn, hỗ trợ các hộ có điều kiện phát triển thành doanh nghiệp; góp phần vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội, thực hiện chương trình XDNTM.
Bài và ảnh: Ngọc Huấn
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/nong-dan-mien-nguoc-thi-dua-san-xuat-kinh-doanh-gioi-227243.htm