Ngày 19/2/2024, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 752/QĐ-UBND phê duyệt giao nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng ngân sách Trung ương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024. Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện nội dung, chính sách hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa.
Theo đó, doanh nghiệp đăng ký nhu cầu hỗ trợ sử dụng dịch vụ tư vấn về nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp (không bao gồm tư vấn về thủ tục hành chính, pháp lý theo quy định của pháp luật chuyên ngành) theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nội dung chính sách hỗ trợ như sau:
1. Nội dung hỗ trợ
a. Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ hoặc không quá 70 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp siêu nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp xã hội.
b. Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ hoặc không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp nhỏ sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp nhỏ là doanh nghiệp xã hội.
c. Hỗ trợ tối đa 30% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 150 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa hoặc không quá 200 triệu đồng/năm/doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp vừa sử dụng nhiều lao động nữ và doanh nghiệp vừa là doanh nghiệp xã hội.
2. Đối tượng hỗ trợ
Doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, đáp ứng các tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể:
a. Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
Doanh nghiệp siêu nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 10 người và tổng doanh thu của năm không quá 10 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 3 tỷ đồng.
b. Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 50 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 20 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại điểm a mục này.
Doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 50 người và tổng doanh thu của năm không quá 100 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 50 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định tại điểm a mục này.
c. Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; lĩnh vực công nghiệp và xây dựng sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người và tổng doanh thu của năm không quá 200 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại điểm a và điểm b mục này.
Doanh nghiệp vừa trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 100 người và tổng doanh thu của năm không quá 300 tỷ đồng hoặc tổng nguồn vốn của năm không quá 100 tỷ đồng, nhưng không phải là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ theo quy định tại điểm a và điểm b mục này.
3. Hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ
a. Tờ khai xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa và đề xuất nhu cầu hỗ trợ (Tải mẫu tờ khai tại đây)
b. Những tài liệu, hồ sơ liên quan đến nội dung hỗ trợ (nếu có).
4. Quy trình hỗ trợ
Doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ quy định tại mục 3 nêu trên bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến đến Sở Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, quyết định.
Trường hợp doanh nghiệp không đủ điều kiện hỗ trợ, Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo để doanh nghiệp biết.
Trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện hỗ trợ nhưng chưa đầy đủ hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ.
Trường hợp doanh nghiệp đủ điều kiện hỗ trợ và đầy đủ hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư có thông báo về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, đồng thời thực hiện các bước hỗ trợ cho doanh nghiệp theo quy định.
TS (Nguồn: Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa)