Quán cafe Lan Man, thôn Hải Hòa, xã Hải Long (Như Thanh) mỗi ngày tiếp nhận thanh toán không dùng tiền mặt khoảng 30% trên tổng doanh thu của quán. Anh Lê Văn Lượng, chủ quán cafe Lan Man cho biết: Một vài năm gần đây, thay vì thanh toán bằng tiền mặt, khách hàng đến quán đã chuyển sang thanh toán bằng hình thức quyét mã QR Code để chuyển khoản nhiều hơn. Điều này không chỉ giúp cho quán không phải chuẩn bị nhiều tiền lẻ để trả lại cho khách mà còn giúp quán quản lý tiền hàng, hoạch toán chi tiêu thuận tiện hơn.
Người dân thanh toán không dùng tiền mặt tại quán cafe Lan Man.
Mặc dù là xã miền núi, nhưng Hải Long đã mạnh dạn lựa chọn chuyển đổi số làm lĩnh vực nổi trội trong XDNTM kiểu mẫu. Phó Chủ tịch UBND xã Lục Đại Trường cho biết: Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, xã đã phối hợp với các ngân hàng mở các đợt cao điểm tổ chức hướng dẫn người dân, các hộ tiểu thương, kinh doanh, buôn bán trên địa bàn mở tài khoản, tạo mã QR Code để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, cài đặt chữ ký số cá nhân… Qua đó, giúp người dân tiết kiệm thời gian và công sức đến tận nơi thanh toán các dịch vụ thiết yếu như tiền điện, nước, mua, bán hàng hóa, tiền học phí…
“Lợi thế của địa phương là có Công ty giày AKALIA đóng trên địa bàn với khoảng hơn 8.000 công nhân. Việc công nhân công ty giày được chi trả lương qua tài khoản ngân hàng cũng giúp cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thuận lợi hơn”, ông Lục Đại Trường cho biết thêm.
Theo thống kê sơ bộ, Như Thanh hiện có trên 76% người dân có điện thoại thông minh và gần 80% người dân trong độ tuổi từ 15 tuổi trở lên có tài khoản ngân hàng. Cùng với việc đẩy mạnh thực hiện mô hình “3 Không” trong đó có nội dung “Không dùng tiền mặt trong thanh toán một số dịch vụ thiết yếu”, huyện còn phối hợp với các ngân hàng, đơn vị trung gian để hướng dẫn người dân mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử, đề nghị Agribank chi nhánh Như Thanh khởi tạo các mã QR Code miễn phí cho các hộ tiểu thương trên địa bàn… Đến nay, toàn huyện đã mở được khoảng 37.000 tài khoản Agribank. Ngoài ra, huyện cũng đang đẩy mạnh việc chi trả trợ cấp bảo hiểm xã hội qua tài khoản ngân hàng nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn.
Tại huyện Thiệu Hóa, cùng với việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các tài khoản, ví điện tử thanh toán không dùng tiền mặt.
Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Nguyễn Quang Hòa cho biết: Đến nay, toàn huyện đã có 142.000 người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử, đạt tỷ lệ khoảng 60 – 70%. Để sớm đạt các tiêu chí về chuyển đổi số cấp xã, Thiệu Hóa đang đẩy mạnh phối hợp với các nhà mạng viễn thông, ngân hàng trên địa bàn để đa dạng giải pháp tạo lập tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân.
Với ưu điểm chỉ cần ở đâu có sóng di động, ở đó có thể sử dụng dịch vụ Viettel money, cùng mạng lưới hàng trăm nghìn điểm giao dịch trên toàn quốc, người dân có thể thực hiện hoạt động nạp, rút tiền mà không cần đến chi nhánh ngân hàng. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng tài khoản Viettel money, người dân không mất bất kỳ khoản phí dịch vụ nào, cũng không cần duy trì số dư tối thiểu trong tài khoản. Điều này thuận lợi cho người dân khu vực nông thôn, miền núi hoặc có thu nhập thấp.
Giám đốc Chi nhánh Viettel Thiệu Hóa Trương Hữu Toàn cho biết: Chúng tôi đã thực hiện mở được 15.600 tài khoản Viettel money trên địa bàn huyện Thiệu Hóa. Để tiếp tục phát triển tài khoản Viettel money, Viettel Thiệu Hóa đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp cùng các cấp chính quyền cài đặt, hướng dẫn người dân sử dụng tài khoản Viettel money, góp phần cùng chính quyền địa phương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 550.000 người dân đăng ký và sử dụng tài khoản Viettel money. Ứng dụng Viettel Money đã góp phần hiện thực nền thanh toán số, hình thành thói quen không dùng tiền mặt của công dân số. Theo kế hoạch, trong năm 2024 Viettel Thanh Hóa sẽ mở mới hơn 50.000 tài khoản, góp phần cùng chính quyền các địa phương thực hiện mục tiêu người dân có thể thanh toán được tất cả các dịch vụ, đặc biệt là ở các vùng sâu vùng xa, những nơi mà chi nhánh ngân hàng không đến được.
Theo báo cáo của Sở Thông tin và Truyền thông, 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh đã thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội là 14.523/255.441 người (đạt 56,85% tổng số người có tài khoản. Trong đó có 10.294/189.960 đối tượng hưởng chính sách bảo trợ xã hội; 4.229/65.481 đối tượng hưởng chính sách người có công). Về thanh toán phí, lệ phí trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, toàn tỉnh đã có 81.361 giao dịch thành công với tổng số tiền là 10,004 tỷ đồng. Thanh toán thuế đất điện tử, có 1.705 giao dịch thành công với tổng số tiền là 6,923 tỷ đồng. Thu thuế cá nhân, có 56 giao dịch thành công với 62,8 triệu đồng. Thu lệ phí trước bạ, có 97 giao dịch thành công với 2,46 tỷ đồng…
Trên đây là những tín hiệu tích cực cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt đã hiện hữu ở khắp mọi nơi từ miền núi đến thành thị, trong tất cả hoạt động giao dịch của người dân, chính quyền… góp phần thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Bài và ảnh: Linh Hương
Nguồn: https://baothanhhoa.vn/no-luc-phu-thanh-toan-khong-dung-tien-mat-222668.htm