Trong thời gian qua, các sở, ngành và hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã xác định công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài từng bước xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Các lực lượng chức năng phối hợp bắt giữ hàng hóa nhập lậu vận chuyển qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hiện nay, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường. Đặc biệt, là hoạt động sử dụng các trang thương mại điện tử, ứng dụng điện tử, các trang mạng xã hội để livetreams bán hàng qua facebook, zalo, shopee, tiktok… với địa điểm kinh doanh là các nhà dân trong khu dân cư, các căn hộ trong các khu chung cư hoặc từ tỉnh ngoài… khiến các cơ quan chức năng rất khó xác định địa điểm kinh doanh. Hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm vẫn diễn ra với các mặt hàng phục vụ tiêu dùng, như: Pháo nổ, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện thoại, thuốc lá, rượu ngoại, bánh kẹo, mỹ phẩm các loại… vào địa bàn tỉnh hoặc vận chuyển qua địa bàn tỉnh, sang các tỉnh lân cận để tiêu thụ.
Đoàn công tác của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia khảo sát thực tế tại Cảng Nghi Sơn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia (gọi tắt là Ban chỉ đạo 389), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, có hiệu quả, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn giá thị trường. Các ngành thành viên và Ban chỉ đạo 389 các cấp thường xuyên phối hợp giữa các lực lượng liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm, tác động lớn đến kinh tế – xã hội, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và quyền lợi NTD. Các đơn vị, địa phương đưa nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật vào chương trình công tác và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên.
Băng zôn, khẩu hiệu treo trên các tuyến phố của TP Thanh Hóa.
Ngày Quyền của NTD Việt Nam 15/3 hàng năm được các sở, ngành địa phương tổ chức hưởng ứng với các hoạt động, như: Lễ phát động Tháng hành động vì NTD và mít tinh, diễu hành trên các tuyến đường chính; tổ chức hội nghị, hội thảo; treo băng rôn, cờ phướn, phát hành sổ tay tư vấn viên bảo vệ quyền lợi NTD, in các tờ rơi tuyên truyền… nhằm nâng cao nhận thức của NTD, cộng đồng doanh nghiệp.
Đội Quản lý thị trường số 7 phát tài liệu tuyên truyền và ký cam kết tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thị trấn Ngọc Lặc.
Ngoài ra, Sở Công Thương phối hợp với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các buổi hội thảo, hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD và bàn giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ NTD. Hàng năm, Cục Quản lý thị trường tỉnh tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực hiện ký 4.599 bản cam kết “Không sản xuất, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ”.
Đội Quản lý thị trường số 12 phối hợp với lực lượng Công an huyện giám sát hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại Khu du lịch suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy).
Đồng thời, Cục Quản lý thị trường tỉnh kết hợp tuyên truyền lưu động, treo băng rôn, khẩu hiệu, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức tự giác chấp hành pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh triển khai tổ chức các gian hàng thật – hàng giả trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Qua đó, phổ biến các thông tin để người tiêu dùng có thể nhận biết được hàng thật, hàng giả đối với các sản phẩm tiêu dùng hằng ngày, nhằm hướng tới xây dựng “NTD thông thái”, biết lựa chọn hàng hóa đảm bảo chất lượng, bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Đội Quản lý thị trường số 7 tổ chức tuyên truyền bằng hình thức gian hàng phân biệt hàng thật – hàng giả tại chợ Ngàm, xã Yên Thắng (Lang Chánh) – khu vực miền núi khó khăn thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh giáp biên giới.
Từ năm 2011 đến tháng 2/2024, các cơ quan chức năng và Ban chỉ đạo 389 các huyện thị xã, thành phố trong tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý 51.935 vụ vi phạm trong các lĩnh vực về giá, sở hữu trí tuệ, an toàn thực phẩm, đo lường, gian lận thương mại… Phần lớn các vụ việc có liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Sau khi xử lý vi phạm, Sở Công Thương, UBND các cấp, Ban quản lý các chợ, trung tâm thương mại công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ vi phạm quyền lợi NTD trên địa bàn.
Đội Quản lý thị trường số 10 phối hợp với các lực lượng chức năng giám sát tiêu hủy hàng hóa vi phạm.
Ông Lê Thế Anh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa, cho biết: “Là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, hàng năm đơn vị chủ động xây dựng và thực hiện hiệu quả các Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Đồng thời, đơn vị triển khai thực hiện tốt công tác thu thập thông tin, dự báo diễn biến tình hình thị trường để có giải pháp kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; thường xuyên phối hợp điều tra, đấu tranh chống lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả mạo nhãn mác. Các đơn vị trực thuộc Cục cũng sẽ thường xuyên phối hợp, trao đổi thông tin giữa các ngành thành viên Ban Chỉ đạo 389, các lực lượng chức năng trong và ngoài tỉnh, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, bưu điện, tuyến biên giới Việt Nam – Lào… Ngoài ra, đơn vị phối hợp với các hiệp hội cung cấp thông tin để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các mánh khóe, thủ đoạn, đối tượng buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại.
Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra hàng hóa của cơ sở kinh doanh tại xã Đại Lộc (Hậu Lộc).
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, công tác bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện thường xuyên, góp phần tích cực ổn định tình hình kinh tế – xã hội, thúc đẩy sản xuất phát triển, hoạt động kinh doanh đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu mua sắm ngày càng cao của Nhân dân.
Hải Đăng